- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Các chỉ tiêu thống kê mức sinh từ đăng ký thống kê hộ tịch 2021 - 2024
Mức sinh được định nghĩa là số trẻ sinh ra sống của phụ nữ. Nó khác với sự mắn đẻ (fecundity) là khả năng sinh lý của phụ nữ để sinh đẻ. Mức sinh được quyết định trực tiếp bởi một số yếu tố: xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và sức khỏe. Trong bài này, mức sinh được trình bày là các chỉ tiêu thống kê mức sinh dựa vào dữ liệu đăng ký khai sinh từ hệ thống đăng ký hộ tịch. Kết quả này có thể có sự khác biệt so với số liệu ước tính từ điều tra thống kê đã được Cục Thống kê chính thức công bố trong niên giám thống kê hằng năm. Số liệu này không dùng để thay thế các số liệu đã công bố mà chỉ cung cấp thêm cơ sở để đánh giá khả năng sử dụng để biên soạn các chỉ tiêu thống kê mức sinh trong tương lai.
Ngoài ra, do việc đăng ký khai sinh muộn vẫn còn tồn tại nên để báo cáo không bị ảnh hưởng bởi độ trễ do đăng ký khai sinh và đảm bảo tính so sánh được giữa các năm trong kỳ nghiên cứu, báo cáo giả thiết rằng: Số trẻ được đăng ký khai sinh trong vòng 365 ngày sau sinh của năm nghiên cứu chính là số trẻ sinh sống của năm đó. Các số liệu để tính các chỉ tiêu thống kê mức sinh trong báo cáo đều dựa vào số đăng ký khai sinh của năm nghiên cứu.
Tỷ suất sinh thô
Tỷ suất sinh thô (CBR) là một trong những chỉ tiêu đo lường mức sinh của dân số, và là một trong hai thành phần của tăng tự nhiên dân số. Tỷ suất sinh thô lớn hay nhỏ có ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu và tốc độ gia tăng dân số. Tỷ suất sinh thô cho biết cứ 1000 dân thì có bao nhiêu trẻ em sinh ra sống trong năm.
Kết quả đăng ký khai sinh cho thấy, tỷ suất sinh thô của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Năm 2021, tỷ suất sinh thô của Việt Nam là 13,9 trẻ sinh sống/1000 người dân; con số này giảm xuống 13,4 vào năm 2023 và còn 13,0 vào năm 2024. Có hai lý do khiến tỷ suất sinh thô liên tục giảm trong những năm gần đây. Một là do tình trạng già hóa nhanh của dân số Việt Nam làm cho số người bước vào độ tuổi sinh sản giảm dần kéo theo số trẻ sinh ra giảm. Hai là do mức sinh của dân số Việt Nam cũng đang giảm mạnh nên số trẻ sinh ra giảm dần qua các năm.
Tổng tỷ suất sinh
Tổng tỷ suất sinh (TFR) được hiểu là số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời, nếu người phụ nữ đó trong suốt thời kỳ sinh đẻ tuân theo tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi như quan sát được trong thời kỳ nghiên cứu.
Kết quả đăng ký khai sinh cho thấy, tổng tỷ suất sinh Việt Nam trong những năm gần đây (giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024) khá thấp, năm 2021 là 1,83 con/phụ nữ, năm 2023 tăng lên là 1,86 con/phụ nữ nhưng đến năm 2024 lại giảm, chỉ còn khoảng 1,84 con/phụ nữ. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. Trên thực tế, mức sinh của Việt Nam có thể cao hơn và gần tương ứng với kết quả điều tra thống kê mà Cục Thống kê công bố nếu điều chỉnh theo mức độ đầy đủ của việc đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, mức sinh 1,8 đến 1,9 con/phụ nữ vẫn là mức sinh thấp, và xu hướng này dự báo có thể tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo nếu Việt Nam không sớm ban hành những chính sách khuyến khích sinh phù hợp.
Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi
Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR) cho biết bình quân cứ 1000 phụ nữ trong độ tuổi (hoặc nhóm tuổi) nhất định có bao nhiêu trẻ sinh sống trong thời kỳ nghiên cứu.
Độ tuổi sinh con phổ biến của phụ nữ là từ 15-49 tuổi, còn các ca sinh của phụ nữ ngoài độ tuổi trên không phổ biến. Vì vậy, các nghiên cứu thống kê phản ánh mức sinh, thường tập trung nghiên cứu ở nhóm phụ nữ từ 15-49 tuổi.
Biểu 1 trình bày số liệu về tỷ suất sinh đặc trưng theo nhóm 5 độ tuổi của phụ nữ 15-49 tuổi dựa trên dữ liệu đăng ký khai sinh giai đoạn 2021 - 2024. Số liệu cho thấy phần lớn phụ nữ Việt Nam sinh con ở độ tuổi từ 20-34. Trong đó, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của nhóm 25-29 vẫn cao nhất, bình quân cứ 1000 phụ nữ ở nhóm tuổi này thì có khoảng 120 trẻ sinh sống (năm 2021: 123 con/1000 phụ nữ, năm 2023: 119 con/1000 phụ nữ, năm 2024: 125 con/1000 phụ nữ). Tiếp đến là nhóm tuổi 20-24 và nhóm tuổi 30-34 với khoảng 80 con/1000 phụ nữ. Sau độ tuổi 30-34, mức sinh của phụ nữ giảm mạnh chỉ còn 40 con/1000 phụ nữ với nhóm tuổi 35-39 và còn 10 con/1000 phụ nữ với nhóm tuổi 40-44. Từ 45 tuổi trở lên, cũng là khi gần hết độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ gần như không sinh thêm con nữa.
Tuổi trung bình của người mẹ khi sinh con
Tuổi trung bình của mẹ khi sinh con là một chỉ tiêu nhân khẩu học quan trọng phản ánh các đặc điểm về mô hình sinh, sức khỏe sinh sản và các xu hướng nhân khẩu học của quốc gia.
Hình 3 là đồ thị tuổi trung bình của người mẹ khi sinh con tính từ dữ liệu đăng ký khai sinh. Số liệu trên đồ thị cho thấy, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ hiện nay là khoảng 28 đến 29 tuổi và đang có xu hướng tăng dần từ năm 2021 đến nay. Năm 2021, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ là 28,4 tuổi; đến năm 2024, số liệu này là 28,8 tuổi, tăng 0,4 tuổi sau 3 năm. Đây là một bằng chứng bổ sung để khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng có xu hướng sinh con muộn hơn.
Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ (Hình 4). Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi). Trên thực tế, dân tộc Hoa và dân tộc Kinh là 2 dân tộc có nhiều lợi thế về quy mô dân số, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, giáo dục và lịch sử phát triển nên có mức sống và trình độ phát triển cao hơn so với các dân tộc khác ở Việt Nam, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ 2 dân tộc này cũng cao nhất trong cả nước. Ngược lại, phụ nữ của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, giáo dục, mức sống với nhiều hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như: La Ha, Cơ Lao, La Hủ, Hrê, Xinh Mun, Mông đều là những dân tộc có tuổi trung bình khi sinh con thấp, từ 23 đến 24 tuổi.
Tỷ số giới tính khi sinh
Tỷ số giới tính khi sinh (Sex Ratio at Birth - SRB) là chỉ tiêu nhân khẩu học phản ánh sự cân bằng giới tính trẻ em trai và trẻ em gái khi được sinh ra. Tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. SRB cao hơn 106 bé trai/100 bé gái cho thấy tỷ số giới tính khi sinh có sự khác biệt với mức sinh học bình thường và phản ánh những can thiệp có chủ ý trên khía cạnh về giới. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.
Trên thực tế, vấn đề về mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu và được phát hiện qua các cuộc điều tra biến động dân số hằng năm, kể từ năm 2007 đến nay. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp để kiểm soát tình trạng này nhưng đến nay tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn chưa giảm đáng kể, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.
Hình 5 trình bày SRB của Việt Nam từ năm 2021 - 2024 tính từ nguồn dữ liệu đăng ký khai sinh. Số liệu cho thấy, theo hồ sơ đăng ký khai sinh, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam từ năm 2021 đến nay đều cao hơn mức cân bằng trung bình khá nhiều; hơn nữa, tỷ số này trong 2 năm gần đây vẫn có xu hướng tăng. Năm 2021, SRB của Việt Nam là 109,5 bé trai/100 bé gái. Con số này đến năm 2023 là 109,7 bé trai/100 bé gái và đến năm 2024 thì tiếp tục tăng và đạt mức 110,7 bé trai/100 bé gái. Rõ ràng, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm thiểu tình trạng can thiệp để lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn có xu hướng nghiêm trọng hơn trong 2 năm gần đây.
Tình trạng mất cân bằng giới tính chủ yếu diễn ra ở các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra), đặc biệt là các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2021 - 2024, vùng Đồng bằng sông Hồng có 10 trên 11 tỉnh có SRB lớn hơn 110 (bé trai/100 bé gái); một số tỉnh có SRB cao nhất của cả nước là Bắc Ninh (119,6), Vĩnh Phúc (118,5), Hà Nội (118,1), Hưng Yên (116,7). Một số tỉnh khác thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng có tỷ số này khá cao, hầu hết đều trên 109 (bé trai/100 bé gái), điển hình trong số đó là: Bắc Giang (116,3), Sơn La (115,0), Lạng Sơn (114,5), Phú Thọ (113,6).
Ở các tỉnh khu vực phía Nam (từ Thừa Thiên Huế trở vào) tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gần như không đáng kể. SRB ở các tỉnh khu vực này ở mức bằng hoặc chỉ cao hơn mức cân bằng một chút (tương ứng khoảng từ 105 đến 108 bé trai/100 bé gái).
Như vậy, một trong những giải pháp để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là nghiên cứu thực hiện các chính sách tập trung nhiều hơn ở khu vực phía Bắc, thay vì đầu tư diện rộng trên khắp cả nước.
Quá trình đăng ký khai sinh từ thống kê hộ tịch vẫn tồn tại tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở nhóm dân số yếu thế và nhóm dân cư sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả cá nhân và cộng đồng xã hội, làm gián đoạn việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và gây khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ công cơ bản. Đồng thời, tình trạng này làm sai lệch số liệu thống kê về dân số, mức sinh và mức chết, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, lập kế hoạch và triển khai chính sách xã hội.
Do đó, cần triển khai các chính sách hoặc cơ chế để tăng tỷ lệ đăng ký và đăng ký đúng hạn ở nhóm dân số yếu thế như: Phụ nữ sinh con ở tuổi vị thành niên, người cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu bật vai trò và ý nghĩa của việc đăng ký hộ tịch càng sớm càng tốt ngay sau khi xảy ra sự kiện.
Tài liệu tham khảo
1. Cục Thống kê (2024), Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, giai đoạn 2021-2024.
2. Văn phòng thma khảo Dân số Hoa kỳ (2011), Sổ tay Dân số (xuất bản lần thứ 6).

