- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Chính sách phát triển nền kinh tế bạc tại một số quốc gia Châu Á: một số gợi mở cho Việt Nam
Chính phủ mỗi quốc gia đều luôn cố gắng huy động và phân bố hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Thực tế có nhiều cách tiếp cận để thể hiện quan điểm phát triển kinh tế.Trong bối cảnh già hóa dân số thế giới đang ngày càng phổ biến, nền kinh tế bạc chính là một hướng tiếp cận khá bao trùm hướng đến nhóm dân cư cao tuổi, đồng thời phát triển nguồn lao động chất lượng cao. Chuyên đề này sẽ tập trung phân tích một số chính sách đặc thù trong nền kinh tế bạc trên thế giới, với kinh nghiệm thực tiễn chính sách triển khai tại một số quốc gia châu Á có những tương đồng nhất định đối với Việt Nam. Có thể thấy rằng, các quốc gia đều có cách tiếp cận tổng thể phát triển kinh tế bạc với nhóm chính sách tập trung đối tượng là người cao tuổi, đồng thời huy động nguồn nhân lực cao tuổi trong phát triển kinh tế: các chính sách tổng thể như chính sách an sinh xã hội bền vững, chính sách phát triển một số vùng, ngành kinh tế tiềm năng thực sự là những kinh nghiệm giá trị cho Việt Nam trong quá trình triển khai giai đoạn tới.
1.Khái niệm kinh tế bạc và đặc trưng của nền kinh tế bạc
1.1. Khái niệm kinh tế bạc
Kinh tế bạc (silver economy) là nền kinh tế, trong đó các chính sách phát triển của quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp tập trung vào đối tượng là người cao tuổi. Nền kinh tế bạc phản ánh sự gia tăng về quy mô người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và đồng thời giảm thiểu dân số trẻ em (National Library of Medicine, 2024). Tại Trung Quốc, cách tiếp cận rộng hơn về nền kinh tế bạc, trong đó nhấn mạnh đây là nền kinh tế tích hợp tất cả các hoạt động phục vụ người cao tuổi hoặc chuẩn bị cho nhóm cư dân bước vào độ tuổi này (Liu Ming, NCRD, 2022). Nền kinh tế bạc tập trung vào 02 lĩnh vực: (i) những người cao tuổi hiện tại và (ii) hướng đến những người trong độ tuổi lao động chuẩn bị bước vào độ tuổi này, kết hợp những sản phẩm và dịch vụ quan trọng phục vụ nhóm dân cư mục tiêu thể hiện chiến lược tổng thể quốc gia hướng đến trọng tâm người cao tuổi. Hơn nữa, điểm trọng tâm là cần chủ động tạo dựng nền tảng vững chắc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của nhóm dân cư trẻ, trung niên để chuẩn bị bước vào nhóm dân cư cao tuổi theo hướng bền vững.
Trên thế giới, hiện nay khi một quốc gia phát triển thì nhu cầu của người cao tuổi sinh vào những năm 1960 thường gia tăng. Nhóm dân cư này tập trung vào chất lượng cuộc sống với những sở thích đa dạng từ dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đến phong cách sống của người cao tuổi với nhiều nhu cầu từ các hoạt động thư giãn như thể thao, nghệ thuật, giải trí. Đồng thời, họ cũng mong muốn và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế (Đoàn Văn Bình, 2024). Đây chính là cơ hội cho sự phát triển nền kinh tế bạc.
Thực tế diễn ra ở những quốc gia tại các lục địa khác nhau. Trong số các nước, Nhật Bản gần như đã dẫn đầu xu hướng dân số già hoá khi ước tính dân số giảm từ 127 triệu (2019) còn 107 triệu người (2029) và đến năm 2040 thì nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 40% tổng dân số cả nước. Còn tại Anh, nhóm dân số trẻ cũng đã sớm có độ chênh lệch so với nhóm cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Nước Ý cũng không ngoại lệ khi nhóm dân số trẻ dưới 14 tuổi chỉ chiếm 13% tổng dân số vào năm 2019 trong khi nhóm dân số già chiếm đến 23%. (Heliyon, 2024)
1.2. Đặc trưng của nền kinh tế bạc
Thứ nhất, có tính đặc thù. Trong lịch sử phát triển kinh tế, các lý thuyết và thực tiễn đã luôn nhận định nguồn nhân lực đóng vai trò nguồn lực đầu vào quan trọng đối với các quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn gần đây tại rất nhiều quốc gia, người cao tuổi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh già hóa dân số ở cả các nước phát triển và các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, đến năm 2050, quy mô người cao tuổi được dự đoán sẽ lần đầu vượt quá số người trẻ tuổi (Hà Thị Đoan Trang, 2021).
Thứ hai, tính phổ biến. Trong nền kinh tế bạc, già hóa dân số là một hiện tượng phổ biến trên toàn cầu ảnh hưởng đến người dân trong xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa các thế hệ trong cùng một gia đình. Nói cách khác, đây là vấn đề mà từng cá nhân, các gia đình, tổ chức, cũng như chính phủ các quốc gia đều phải đối mặt.
Thứ ba, tác động sâu rộng đến các lĩnh vực của xã hội. Già hóa dân số có những tác động tiêu cực đến các lĩnh vực của các quốc gia, từ chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Đây là nền kinh tế mà cần có sự phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành khá sâu rộng.
Thứ tư, tính bền vững. Trên thế giới, trong những năm gần đây, tỷ lệ người cao tuổi có xu hướng gia tăng bền vững (World Population Ageing 2015-2020). Do đó, phát triển kinh tế bạc sẽ có cách tiếp cận liên ngành khi đánh giá người cao tuổi là nguồn lực giá trị phát triển dài hạn của nền kinh tế tại các quốc gia. Các chính phủ cần thu hút nguồn lao động chất lượng cao này để đóng góp giá trị phát triển các lĩnh vực.
2.Thực tiễn kinh tế bạc ở một số quốc gia
2.1. Một số quốc gia Châu Á
Đối với các nền kinh tế trên thế giới, về tổng thể, các quốc gia luôn có chiến lược huy động nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao đóng góp vào lực lượng lao động của xã hội. Tuy nhiên, ở cách tiếp cận khác, trong bối cảnh mới, khi xu hướng già hoá dân số là một thách thức đối với nguồn lực đầu vào nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững thì đây cũng chính là đối tượng/thị trường tiềm năng của các quốc gia trên thế giới và có thể coi là nguồn lực đầu vào quan trọng và đầy tiềm năng cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Phát triển chất lượng cuộc sống người cao tuổi: quy mô người cao tuổi gia tăng, với kiến thức sâu rộng, kỹ năng, thái độ công việc nghiêm túc, trải nghiệm thực tiễn giá trị và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Nhóm dân cư này còn khá chủ động về tài chính. Do đó, họ có nhu cầu và hướng đến cuộc sống có chất lượng ngày càng cao.
Nhóm nguồn lực chất lượng cao tiềm năng: người cao tuổi có thể tiếp tục và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao trong một số ngành đặc thù trên cơ sở đó có thể thu hút nguồn lực bền vững và tăng được lương hưu cho người cao tuổi trong một số lĩnh vực đặc thù. Các quốc gia đã triển khai các chính sách để thu hút và tuyển dụng nguồn nhân lực khá thành công.
Nhóm người tiêu dùng của tương lai: Đây là thế hệ có mức chi tiêu cho tiêu dùng khá lớn, thu nhập ổn định và không chịu sức nặng tìm kiếm việc làm trong nền kinh tế. Tại Châu Á, cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho người cao tuổi vẫn còn nhiều dư địa. Ở Nhật Bản, người cao tuổi có thu nhập ổn định và chi tiêu cao cho tiêu dùng so với mức chung của nền kinh tế. Tại Trung Quốc, sức mua của người cao tuổi cũng gia tăng, đặc biệt với các giao dịch online cho thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường này. Nhiều doanh nghiệp lớn đã tập trung sản xuất và cung ứng các sản phẩm chất lượng cho nhóm khách hàng này. Chính phủ nước này đã bắt đầu có quy chế hướng dẫn để phát triển nền kinh tế bạc nhằm phát triển các ngành công nghiệp cung cấp sản phẩm cho người cao tuổi và các quy định liên quan đến nguồn cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho nhóm khách hàng này. Cùng với đó, chính phủ cũng có kế hoạch xây dựng một số khu công nghiệp bạc cao cấp với việc cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân. Đồng thời, chính phủ các nước có thể thiết lập cơ chế phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao và lương hưu chất lượng cao cho người cao tuổi (WTO Centre, 2024).
Xu hướng người cao tuổi ngày càng gia tăng trong tổng dân số tại từng quốc gia và phạm vi toàn cầu từ các nước phát triển đến các quốc gia đang phát triển. Điều này đòi hỏi chính phủ các nước cần có chiến lược tổng thể dài hạn huy động nguồn lực để phát triển kinh tế, trong đó người cao tuổi vừa là động lực tăng trưởng, vừa là thị trường khách hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp, đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế. Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực sẽ là những bài học cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Trung Quốc
Bảng 1:Quy mô dân số Trung Quốc và tỷ trọng người cao tuổi giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2024
Tại Trung Quốc, nền kinh tế bạc lần đầu tiên được đề cập năm 2022 nhằm thúc đẩy các chính sách huy động nguồn lực xã hội để thích ứng với nền kinh tế già hóa dân số. Dân số nước này đang già nhanh hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển khác. Đồng thời, quy mô dân số cũng có xu hướng giảm, cụ thể năm 2023 giảm 9,08 triệu người. Hiện nay, Trung Quốc có số người cao tuổi hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm hơn 14% dân số toàn quốc gia (World Bank). Vì vậy, các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau đều đang chuyển hướng hoạt động tập trung đến đối tượng người cao tuổi. Bên cạnh đó, nền kinh tế bạc có đóng góp mới vào tăng trưởng chất lượng cao của nền kinh tế. Quy mô của nền kinh tế bạc đóng góp khoảng 6% GDP của Trung Quốc và đến năm 2030 dự kiến sẽ đạt 10% (WTO Centre, 2024). Quốc gia này tăng cường phát triển nền kinh tế bạc với nỗ lực tập trung chiến lược hướng đến người cao tuổi nhằm cải thiện cuộc sống và tăng cường các ngành công nghiệp hướng đến phát triển kinh tế và xã hội chất lượng ngày càng cao. Sự hiện đại hoá của Trung Quốc chính là sức sống cho nền kinh tế bạc.
Hàn Quốc
Bảng 2: Quy mô dân số và tỉ trọng người cao tuổi Hàn Quốc giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2024
Hàn Quốc với dân số gần 52 triệu người, hiện có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn không có con trong bối cảnh áp lực kinh tế như giá nhà tăng, cạnh tranh khốc liệt để có công việc ổn định, lương cao tại các công ty lớn. Năm 2023, tổng tỷ suất sinh tại nước này là 0,72 trẻ em/phụ nữ. Nền kinh tế bạc đang phát triển mạnh mẽ tại Hàn Quốc khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra khả năng tiếp thị nhiều hàng hoá và dịch vụ cho người cao tuổi. Thị trường dành cho các doanh nghiệp hướng đến nhóm khách hàng cao tuổi dự tính có giá trị 128 tỷ USD vào năm 2030, tăng gấp đôi so với năm 2020 (Kim Young-sun, 2024). Một số công ty khởi nghiệp cung cấp hàng hoá/dịch vụ phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi đã xuất hiện trong những năm gần đây như một nền tảng thời trang trực tuyến dành cho nam giới lớn tuổi bắt đầu “cuộc sống thứ hai” sau tuổi trung niên. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhà ở và cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi (Nikkei Asia, 2024).
Thực tế, các doanh nghiệp nước này đã chuyển hướng sang nhận thức người cao tuổi là những người tiêu dùng năng động. Nếu như 20 năm trước, các doanh nghiệp tập trung cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người già phụ thuộc thì bây giờ thị trường đang chuyển sang phục vụ những người theo đuổi lối sống mới của riêng họ khi về già (Nikkei Asia, 2024).
Singapore
Bảng 3: Quy mô dân số và tỉ trọng người cao tuổi Singapore giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, 2024
Ở Singapore, thực trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, với tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh đáng kể. Tỷ lệ dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) trong tổng dân số đã tăng từ 11,7% (năm 2013) lên đến 19,1% vào năm 2023. Đặc biệt, số lượng công dân Singapore ở độ tuổi 80 trở lên đã đạt đến con số 136.000 người vào năm 2023. Điều này cho thấy xu hướng già hoá dân số đang diễn ra mạnh mẽ tại quốc đảo này và dự kiến vào năm 2030, cứ khoảng 04 công dân sẽ có 01 công dân ở độ tuổi 65 trở lên (Singapore Demographics: Population Brief, 2023).
Nhằm đối mặt với sự thay đổi lớn trong cấu trúc dân số với tốc độ lão hóa dân số nhanh chóng, Singapore đã và đang phát triển mạnh mẽ nền kinh tế bạc với các loại hình doanh nghiệp đa dạng. Các doanh nghiệp từ khởi nghiệp đến các công ty lớn đều đang nắm bắt cơ hội này để phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm phục vụ nhu cầu của người cao tuổi, từ y tế, dinh dưỡng đến giải trí và công nghệ. Singapore đặt mục tiêu không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi mà còn tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Nền kinh tế bạc tại Singapore được dự đoán sẽ đạt giá trị lên đến 72,4 tỷ USD vào năm 2025, thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước (Aging Asia, 2020). Các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và dịch vụ hướng đến người cao tuổi không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu của một phần dân số đang ngày càng gia tăng mà còn góp phần duy trì sự năng động và tích cực của nhóm dân số này trong xã hội.
Malaysia
Bảng 4: Quy mô dân số và tỉ trọng người cao tuổi Malaysia giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2024
Quốc gia này được dự báo sẽ trở thành một đất nước có dân số già vào năm 2044, khi phần dân số trên 65 tuổi chiếm 14% (World Bank, 2020), Malaysia cũng là một trong những quốc gia đứng trước tình trạng già hoá dân số, mở ra nhiều cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế bạc.
Đối mặt với thực trạng này, chính phủ Malaysia chủ trương xây dựng và thực hiện những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm tận dụng tối ưu nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm. Đồng thời, quốc gia này cũng triển khai khai thác tiềm năng tiêu dùng và đầu tư liên quan đến người cao tuổi, từ việc chăm sóc sức khỏe đến du lịch và giải trí, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tận dụng đáp ứng nhu cầu của phần dân số đang ngày càng tăng cao.
Thái Lan
Bảng 5: Dân số Thái Lan và tỉ trọng người cao tuổi giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2024
Trong bối cảnh đô thị hóa cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ dân số Thái Lan ngày càng tăng lên đáng kể. Khi đó, các khách hàng tiêu dùng nhiều hơn và tạo ra cơ hội kinh doanh đa dạng không chỉ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mà còn trong nhiều lĩnh vực công nghệ, di động, giải trí, du lịch, bất động sản và nhà ở.
Nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ trong thị trường “kinh tế bạc” đang bùng nổ ở Thái Lan và các thành viên ASEAN khác. Gần đây, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về chi tiêu cho y tế, đặc biệt là chi tiêu chăm sóc sức khỏe ở Thái Lan chiếm 3,71% GDP vào năm 2016 (Thailand Board of Investment 2019).
Các ngành kinh doanh có tiềm năng tăng trưởng cao trong bối cảnh dân số già hóa bao gồm du lịch y tế, chăm sóc người cao tuổi, giáo dục, giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, nhà ở và công nghệ thông minh. Các doanh nghiệp này không chỉ phục vụ người cao tuổi Thái Lan mà còn cả người cao tuổi nước ngoài nhập cư hoặc nghỉ dưỡng ở quốc gia này. Đứng trước xu hướng già hóa, Thái Lan đã áp dụng một loạt các chính sách và biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế chuyển hóa từ người tiêu dùng trẻ sang người tiêu dùng cao tuổi.
2.2. Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nền kinh tế bạc đang bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng do thực tiễn từ quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm (Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 2024). Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Trung bình, phụ nữ Việt Nam trải qua khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm sống trong tình trạng bệnh tật. Người cao tuổi phải đối mặt với các gánh nặng về bệnh tật, bao gồm các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, tim mạch…. Vấn đề này đặt ra các nhiệm vụ cho nhiều ngành, cũng là thị trường cần hướng đến của nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân cư này.
Người cao tuổi ở Việt Nam thường có thu nhập từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư, với khả năng chi tiêu phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Trong những năm gần đây, hành vi tiêu dùng của người cao tuổi cũng đã thay đổi, với xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí. Sự già hóa dân số và những đặc trưng của nhóm người cao tuổi tại Việt Nam đem đến nhiều thách thức về kinh tế và xã hội, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn để phát triển nền "kinh tế bạc".
Vì vậy, đối với Việt Nam, đây vẫn được coi là một giai đoạn đầu và mới nên nền kinh tế đang đứng trước những thách thức và cơ hội mà xu hướng này mang lại. Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt và có những đối sách phù hợp với thực tiễn. Đảng và Nhà nước đã tập trung xây dựng các chủ trương cũng như chính sách liên quan đến hệ thống trợ giúp xã hội để đối mặt với xu hướng này. Vì vậy, xu hướng già hóa dân số được coi là vấn đề ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và Chiến lược quốc gia về an sinh xã hội.
3. Chính sách đối với người cao tuổi liên quan đến kinh tế bạc
3.1. Một số quốc gia Châu Á
Trung Quốc
Hướng dẫn, quy định phục vụ cho người cao tuổi: Chính phủ cũng có kế hoạch xây dựng nền kinh tế bạc đối với đối tượng dân cư cao tuổi. Chính phủ nước này đã công khai kế hoạch tăng cường đối với nền kinh tế bạc nhằm thích ứng với thực tế già hóa dân số. Quốc gia này đã giới thiệu chính sách tập trung cho tương lai khi nhu cầu của người cao tuổi gia tăng ở cấp độ quốc gia. Quốc gia này nhấn mạnh đến tăng cường vai trò của người cao tuổi trong lực lượng lao động của mỗi quốc gia. Thực tế ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, mặc dù nguồn lực ngày càng hạn chế, nhưng chính phủ vẫn có những chính sách tổng thể nhằm tăng cường đóng góp của nguồn lực đầu vào này để duy trì năng suất quốc gia. Chính phủ Trung Quốc đã thông qua 26 hướng dẫn tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực trọng điểm đảm bảo những nhu cầu cần thiết của dân số trong độ tuổi này, đó chính là dịch vụ y tế thông minh đến kế hoạch tài chính đối với người cao tuổi, hay xúc tiến phát triển các sản phẩm thuốc và mỹ phẩm đến việc đối mặt với các bệnh tuổi già.
Quy định độ tuổi thuộc nghỉ hưu: Quốc gia này cũng đang cần xem xét lại quy định độ tuổi nghỉ đối với lao động, khi mà hiện nay, tuổi đối với nam là 60, nữ là 55, còn đối với nữ đang làm việc tại các cơ sở sản xuất/nhà máy là 50.
Chính sách tài chính: Hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho phát triển công nghiệp, bao gồm tối ưu hóa ngân sách chính phủ trung ương nhằm nâng cấp các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mới đủ tiêu chuẩn và thúc đẩy việc sử dụng thiết bị thông minh. Cùng với đó là các chương trình tài chính hỗ trợ người tiêu dùng cao cấp và tăng cường hỗ trợ các chương trình và các thiết bị chăm sóc người già. Như vậy, nền kinh tế bạc thiết kế các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi cao cấp nhằm thích ứng với bối cảnh mới.
Các chính sách liên quan: Văn phòng thống kê của Hội đồng nhà nước đã nhấn mạnh đến các nhóm chính sách tập trung vào các biện pháp mở rộng, tiêu chuẩn hoá, phát triển các cụm công nghiệp, tăng cường thương hiệu “nền kinh tế bạc". Chính sách ưu tiên cho các công dân xuất sắc, chính phủ cần cải thiện dịch vụ thực phẩm và chăm sóc y tế, phát triển các viện dưỡng lão, kích thích tiêu dùng đối với các dân cư có thu nhập cao.
Phát triển mô hình kinh doanh mới và phát triển công nghệ: Trung Quốc phát triển công nghệ số để thúc đẩy nền kinh tế bạc và tạo tiện lợi cho người tiêu dùng cao tuổi. Để tiếp tục đổi mới và cải thiện các tiện ích số để làm cầu nối khoảng cách về công nghệ đối với người cao tuổi, tập trung nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới dành cho người cao tuổi về chăm sóc sức khoẻ thông minh với phát triển hệ thống robot phục vụ và hỗ trợ công việc gia đình, cùng với công nghệ sinh học để ứng phó với các loại bệnh tật của nhóm dân cư này.
Phát triển khu công nghiệp đặc thù phục vụ người dân cao tuổi: Trung Quốc có kế hoạch thành lập 10 “khu công nghiệp kinh tế bạc cấp cao” ở các khu vực như Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và khu vực vịnh lớn Quảng Đông – Hong Kong – Ma cao, phát triển các công việc dành cho người cao tuổi.
Phát triển nhiều ngành/lĩnh vực mới: Phát triển ngành công nghiệp với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phục vụ người cao tuổi. Quốc gia này phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng cao tuổi mới và nuôi dưỡng phát triển các nguồn nhân lực tài năng phục vụ cho nền kinh tế bạc.
Phát triển các nhóm sản phẩm mới: Hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp, khuyến khích các công ty văn hóa và công ty du lịch tập trung phát triển những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao phục vụ người cao tuổi.
Singapore
Chính sách an sinh xã hội: Quốc gia này chủ trương xây dựng một hệ thống an sinh xã hội tiên tiến và toàn diện, đồng thời xây dựng một mạng lưới chặt chẽ tận dụng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ trong thời kỳ hiện đại.
Quy định tuổi nghỉ hưu: Chính phủ đã nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 63 tuổi và tuổi tiếp tục tham gia thị trường lao động của người dân tăng từ 67 lên 68 tuổi, đồng thời đặt mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa với kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 và tuổi làm việc lại lên 70 vào năm 2030; xây dựng khoản trợ cấp và chương trình tín dụng cho người cao niên từ năm 2023 - 2025 nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của người lao động lớn tuổi trong thị trường lao động, đồng thời mở ra cơ hội phát triển nền kinh tế bạc trong nước. (Retirement and Re-Employment Amendment Bill 2021 and CPF Amendment Bill 2021)
Chăm sóc sức khỏe: Với nhu cầu chăm sóc y tế đặc biệt ngày càng cao của người cao tuổi, Singapore tập trung đổi mới trong lĩnh vực y tế, phát triển thương mại điện tử, áp dụng công nghệ tiên tiến cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe thể hiện tính cá nhân hóa đa dạng bao gồm dịch vụ chăm sóc tại nhà, các thiết bị y tế đeo tay theo dõi sức khoẻ, tư vấn y tế trực tuyến, và nền tảng kết nối bệnh nhân với các chuyên gia y tế từ xa nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của nhóm dân cư này; tận dụng thị trường của thị phần dân số đang tăng trưởng để mở ra các cơ hội kinh doanh cho nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế bạc.
Chính sách về nhà ở: Xây dựng chiến lược quy hoạch đô thị và nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi với dự án thí điểm chính phủ tiêu biểu - chung cư Kampung Admiralty. Được thiết kế như một mô hình "khu phức hợp dành cho người già" với đa dạng chức năng, dự án nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra một môi trường sống lý tưởng phục vụ người cao tuổi nước này.
Sản xuất sản phẩm và dịch vụ: Chính phủ hỗ trợ, khuyến khích đa dạng doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ chất lượng phục vụ đời sống người cao tuổi bằng cách thông qua các dự án đa dạng lĩnh vực, chất lượng cao như The Golden Concepts, Tetsuyu Healthcare.
Malaysia
Chính sách hỗ trợ người lao động: Malaysia đã thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động lớn tuổi bằng cách cải thiện cơ hội đào tạo nghề cho người cao tuổi, giúp họ thích nghi với những thay đổi của thị trường lao động hiện đại. Bên cạnh đó, chính phủ khuyến khích việc làm linh hoạt cho người lao động lớn tuổi, bao gồm làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, và các công việc có tính chất nhẹ nhàng hơn, nhằm tạo điều kiện cho họ tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động mà vẫn có thời gian chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Chính sách bảo hiểm xã hội: Malaysia đã mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động lớn tuổi. Quỹ lương hưu cho người lao động Employees Provident Fund - EPF đã được cải thiện và bổ sung các chính sách phù hợp hơn với người cao tuổi. Chính phủ cũng đang xem xét triển khai một hệ thống hưu trí xã hội toàn diện và phổ biến hơn, nhằm đảm bảo cho mọi người dân, không phân biệt ngành nghề hay mức thu nhập đều có quyền lợi hưu trí sau khi kết thúc sự nghiệp lao động.
Phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ: Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận, và các nhà cung cấp dịch vụ y tế cộng đồng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội cho người cao tuổi. Hệ thống này không chỉ tập trung vào các dịch vụ y tế truyền thống mà còn mở rộng sang chăm sóc dài hạn, điều dưỡng, và các dịch vụ hỗ trợ tại nhà nhằm giúp người cao tuổi có thể sinh hoạt độc lập.
Thái Lan
Chính sách chế độ nghỉ hưu: Tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục làm việc quá tuổi hưu thông qua việc thiết lập chính sách linh hoạt về tuổi hưu và khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi.
Chính sách đào tạo: Thúc đẩy các chương trình giáo dục và đào tạo suốt đời để tăng cường kỹ năng và kiến thức cho người cao tuổi, nhằm giúp nhóm dân cư này có thêm cơ hội phát triển cá nhân lẫn chuyên môn.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe: Mở rộng quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thông qua các chương trình như hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc lâu dài ở cấp độ cộng đồng.
Chính sách phúc lợi xã hội: Triển khai các chương trình bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ người cao tuổi khỏi rủi ro tài chính và đề xuất các sản phẩm tiết kiệm hưu trí phù hợp với nhu cầu của họ.
3.2. Tại Việt Nam
Thực tiễn, tại Việt Nam đang triển khai các chính sách hiện đang được áp dụng đối với nền kinh tế bạc và xu hướng già hoá:
Hệ thống luật pháp liên quan và chính sách phúc lợi xã hội: Việt Nam triển khai các chinh sách liên quan như y tế, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội.
Chính sách về tuổi nghỉ hưu: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu và phát triển tuyển dụng người cao tuổi ở những vị trí việc làm phù hợp như quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên, bác sĩ, chuyên gia tư vấn,...
Chính sách hỗ trợ ưu đãi: Nhà nước chủ trương đẩy mạnh ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho người cao tuổi có cuộc sống an toàn và đầy đủ hơn; đồng thời xã hội hoá hoạt động của các lĩnh vực. Tuy nhiên thực tế cho thấy các chính sách, chủ trương này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và cơ chế phù hợp, dẫn đến những hạn chế trong việc triển khai tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người cao tuổi vay vốn ưu đãi để tiến hành các hoạt động sản xuất và kinh doanh (theo Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú). Nhờ vậy, người cao tuổi cũng có thể vay vốn từ hai nguồn vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm.
Nhìn chung, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách, đường lối ứng phó với xu hướng già hoá dân số và tối ưu hoá phát triển kinh tế bạc. Dù vậy, các chính sách này chưa thực sự được áp dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả; cần phải tiếp tục cải thiện và điều chỉnh đường lối, tăng cường đầu tư tài chính, nâng cao nhận thức xã hội, từ đó xây dựng một xã hội phát triển và bền vững.
4.Một số bài học cho Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc giai đoạn tới
Khi phân tích thực tiễn một số quốc gia tại Châu Á có thể nhận thấy các quốc gia này đều mới ở giai đoạn đầu của phát triển kinh tế bạc với những quy định, chính sách khởi đầu của phục vụ các nhu cầu của người cao tuổi và thu hút nguồn nhân lực cao tuổi. Các chính sách này gắn liền với bối cảnh chung trên thế giới và tính đặc thù của từng nền kinh tế. Các nước cũng đạt được những kết quả nhất định từ triển khai một số chính sách đặc thù trong nền kinh tế bạc.
4.1 Quan điểm tổng thể phát triển
Về tổng quan, khi phát triển nền kinh tế bạc cần có quan điểm tiếp cận tổng thể hệ thống khung pháp lý như quy định, chính sách phù hợp với thực tiễn. Cụ thể như cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu Trung Quốc: (i) giai đoạn đầu cần tìm hiểu và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của người tiêu dùng; (ii) giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung đổi mới các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhóm khách hàng này. Cụ thể là chính sách phát triển hoạt động nghiên cứu và triển khai các sản phẩm thân thiện với người tiêu dùng, bao gồm từ các đồ thời trang đặc biệt đến môi trường chăm sóc đa dạng cho người già. Quốc gia này cũng tập trung cung cấp các sản phẩm thông minh cho người cao tuổi. Các chính sách tập trung cho nền kinh tế cần hướng đến 2 mục tiêu: hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững và giải quyết được những vấn đề già hoá nền kinh tế. Điều này đòi hỏi cần có những chính sách tổng thể và khá đặc thù tuỳ thuộc vào đặc trưng của từng nền kinh tế.
4.2 Một số hướng phát triển cụ thể
Về các hướng tiếp cận cụ thể, chính phủ cần tập trung vào một số điểm chính sau đây:
Một là, khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế bạc: Chính phủ và các bộ ban ngành cần có kế hoạch phối hợp xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý tổng thể định hướng chung cho nền kinh tế, cũng như phát triển một số nhóm ngành đặc thù tiềm năng phục vụ người cao tuổi trong dài hạn.
Hai là, một số chính sách đặc thù của nền kinh tế bạc. Tập trung triển khai một số chính sách trọng tâm: hỗ trợ tài chính và các chính sách hỗ trợ khác kết nối để phát triển các nhóm ngành công nghiệp đặc thù; đổi mới, sáng tạo đối với những ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao. Những chính sách này thể hiện đặc thù của nền kinh tế.
Ba là, một số mô hình kinh doanh sáng tạo trong nền kinh tế bạc. Tập trung phát triển một số mô hình kinh doanh mới với một số ngành kinh tế đặc thù phục vụ người cao tuổi cũng như cho nền kinh tế tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội tại từng vùng miền, khu vực, địa phương. Những lĩnh vực đặc thù tạo ra những sản phẩm cao phục vụ cho nền kinh tế, cụ thể một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hoá như du lịch, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ và một số lĩnh vực khác liên quan cần nhân lực sáng tạo, tài năng, cũng như sự phối hợp của cộng đồng.
Bốn là, chính sách hỗ trợ liên quan. Hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp tiên phong và có những đóng góp phát triển các ngành đặc thù phục vụ khách hàng người cao tuổi. Các lĩnh vực này là những lĩnh vực mới, thu hút nhiều khách hàng là thị trường mới, người tiêu dùng chất lượng cao. Ví dụ, Trung Quốc tập trung phát triển ngành công nghiệp chăm sóc thông minh dành cho người cao tuổi, bao gồm công nghệ kết nối thông minh như các sản phẩm không dây, dịch vụ robot, các máy móc thông minh phục vụ cho môi trường chăm sóc người cao tuổi. Đây là những lĩnh vực mới nhưng đã bước đầu thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp tại Việt Nam như các dịch vụ tại khu dưỡng lão, sản xuất các sản phẩm đặc thù cho người cao tuổi. Đồng thời các doanh nghiệp cũng có cách tiếp cận chuyên môn hoá để tiếp cận và phát triển thị trường này.
Năm là, tập trung một số chính sách phúc lợi. Đổi mới, bổ sung và hoàn thiện một số chính sách phúc lợi xã hội đặc thù y tế, giáo dục, các dịch vụ hỗ trợ,... để phát triển “nền kinh tế bạc” như chính sách phát triển môi trường sống thân thiện (khu công nghiệp, các công viên công nghiệp, hệ thống nhà thông minh,...), chính sách cải thiện lương hưu phù hợp đối với người lao động cao tuổi chất lượng cao, phát triển các dịch vụ điều dưỡng chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, tạo dựng môi trường làm việc tích cực dài lâu cho người cao tuổi như các khu công nghiệp đặc thù, các văn phòng làm việc tiện ích, logistics trong một số nhóm ngành thu hút lao động cao tuổi.
Như vậy, trong giai đoạn tới hướng tới phát triển một xã hội hạnh phúc, thì dân cư cao tuổi chính là một đối tượng chính sách đặc biệt quan trọng tại Việt Nam. Chính phủ cần có cách tiếp cận tổng thể và xây dựng hoàn thiện các chính sách cụ thể cần thể hiện tính bền vững, đa dạng và đáp ứng thực tiễn phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp với những sản phẩm và dịch vụ đặc thù, cộng động và người dân cũng cần chủ động tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế bạc.
Trần Thị Ngọc Quyên, Phạm Vân Nhi, Ngô Hà Phương (Trường Đại học Ngoại thương)
Phương Thị Thu Hương (Tổng cục Dân số-KHHGĐ)
Tài liệu tham khảo
1. Hà Thị Đoan Trang (2021), Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
2. Heliyon (2024), Business and third sector organisations, ageing and the silver economy: An untapped opportunity?, National Library of Medicine.
3. Hữu Hưng (PV Đài THVN Thường trú tại Singapore) (2018). Mô hình chung cư cho người già tại Singapore. Đài truyền hình Việt Nam.
4. Ministry of Manpower Singapore (2021), Retirement and Re-Employment Amendment Bill 2021 and CPF Amendment Bill 2021.
5. Nikkei Asia (2004), South Korea wakes up to the next K-wave: The silver economy.
6. Liu Ming (2024), Silver economy' offers great biz potential, < https://english.www.gov.cn>.
7. Sara E.Rix (2004), Public Policy and the Ageing Workforce in the United States. Cambridge University Press.
8. Simona Azzali, André Siew Yeong Yew, Caroline Wong, Taha Chaiechi (2022), Silver cities: planning for an ageing population in Singapore. An urban planning policy case study of Kampung Admiralty.
9. Takashi Oshio Emiko Usui Satoshi Shimizutani (2018), Labor Force Participation of the Elderly in Japan. NBER Working paper series.
10. Thailand Board of Investment (2019), Silver economy opportunities with Thailand’s growing senior population.
11. Tỉnh ủy Ninh Bình, Tạp chí Cộng sản, Hội Người cao tuổi Việt Nam (2024), Kỷ yếu hội thảo khoa học Già hóa dân số ở Việt Nam thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách.
12. VnEconomy (2024), Nền “kinh tế bạc” sẽ mang về 4,2 nghìn tỷ USD cho Trung Quốc.
13. Vietnam News (2023), Cách đảo quốc sư tử kích thích “nền kinh tế bạc” bùng nổ.
14. World Bank (2020), A Silver Lining: Productive and Inclusive Aging for Malaysia.

