Đại dịch covid-19 và thành tựu kinh tế của Việt Nam năm 2020

Kinh tế Việt Nam năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, bên cạnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã làm cho tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, sự đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.

Kinh tế Việt Nam năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, bên cạnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã làm cho tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, sự đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.

Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế nên “mục tiêu kép” đã đạt được những thành tựu to lớn.

Về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới và cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá: “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.

Về phát triển kinh tế, theo đánh giá của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91%[1] so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2020 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98% (cao nhất trong số 3 khu vực kinh tế) đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, trong 10 gần đây, mức tăng này chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, 2012 và 2018; ngành lâm nghiệp tăng 2,82%; ngành thủy sản tăng 3,08% cao hơn mức tăng của 2 năm 2015 và 2016.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020 tăng  3,36%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế tăng 5,82%. Trong ngành công nghiệp, chỉ có khai khoáng có tốc độ tăng trưởng âm (giảm 5,62%, do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6%, khí đốt tự nhiên giảm 11,5%). Ngành xây dựng tăng 6,76% cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, 2012 và 2013.

Khu vực dịch vụ bị tác động nặng nề nhất trong năm 2020 bởi đại dịch Covid-19 nên có tốc độ tăng rất thấp (2,34%) nhất là so với 10 năm gần đây (2011: 7,47%; 2017: 7,44%; 2019: 7,30%...). Tốc độ tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn như sau: bán buôn, bán lẻ tăng 5,53%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%; ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88% còn ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề nhất nên giảm tới 14,68%. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 đạt 3.837,3 nghìn lượt người, giảm 78,7% so với năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.083,2 nghìn lượt người, chiếm 80,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 78,6%; bằng đường bộ đạt 609,4 nghìn lượt người, chiếm 15,9% và giảm 81,9%; bằng đường biển đạt 144,7 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và giảm 45,2% so với năm trước.

Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay, gấp 10 lần với năm 2017 (1,9 tỷ USD). Nếu như kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đều tăng so với năm 2019 thì kim ngạch xuất, nhập khẩu dịch vụ lại đều giảm. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2020 đạt 6,3 tỷ USD, giảm 68,4% so với năm 2019, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,5 tỷ USD, giảm 78,8%, dịch vụ vận tải đạt 727 triệu USD, giảm 83,4%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2020 đạt 18,3 tỷ USD giảm 14,5% so với năm 2019 (dịch vụ du lịch: 4 tỷ USD – giảm 37,5%; vận tải: 8,3 tỷ USD – tăng 3,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2020 là 12 tỷ USD, tăng 8 lần so với năm 2019.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, qui mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3521 USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của IMF, kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), qui mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người phải đạt trên 10.000 USD. Đây là minh chứng cho thấy, Việt Nam đã vững bước trên con đường đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn trong phát tiển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bước sang năm 2021, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đặt mục tiêu qui mô GDP bình quân đầu người “chốt” ở mức 3700 USD, chỉ tiêu được coi là “rất dũng cảm và quyết liệt”. Với sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, chỉ tiêu của Quốc hội đã thông qua là hoàn toàn khả thi. Theo bà Era Dabla-Norris, đại diện vụ Châu Á – Thái bình dương của IMF, bước sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ với GDP dự kiến tăng lên 6,5%. Lý giải về điều này, bà Era Dabla-Norris nhận định, năm 2021, khi các hoạt động trong và ngoài nước được bình thường hóa, những chính sách củng cố tài khóa thận trọng trong năm 2020 sẽ là bước tạo đà cho Việt Nam vượt qua những bất ổn và phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP.

                                                                                                               Nguyễn Văn Phái

 

[1] Thông cáo báo chí và Infographic về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2020 được đăng tải trên trang Web củ Tổng cục Thống kê (htpps://www.gso.gov.vn)

TIN KHÁC