- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Già hóa lao động ngành trồng lúa tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ: thực trạng và giải pháp
THS. PHẠM THỊ HUYỀN
Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới
Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Lúa trở thành nguồn lương thực, nguồn thức ăn cơ bản nhất, gắn liền với đời sống và sinh kế của con người. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và dịch vụ, số lao động nông thôn cả nước nói chung và lao động ở ĐBBB nói riêng có xu hướng rời bỏ quê hương đến những thành phố có các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… để tìm kiếm công việc khác. Điều này dẫn đến tình trạng lực lượng lao động làm công việc trồng lúa tại các vùng quê ngày càng ít. Đáng chú ý, những người còn gắn bó với nghề trồng lúa chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ. Thực trạng già hóa trong lực lượng lao động nông nghiệp đang diễn ra rõ nét tại hầu khắp các vùng quê của ĐBBB. Thực tế đó đang đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thực trạng già hóa lao động ngành trồng lúa tại một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ
Theo các số liệu thống kê gần đây, lao động trong ngành trồng lúa tại ĐBBB đang có xu hướng già hóa rõ rệt. Độ tuổi trung bình của lao động nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng lúa đã tăng lên đáng kể. Lao động từ 50 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ cao. Kết quả điều tra của TS. Hoàng Thị Thêm tại một số tỉnh ĐBBB cho thấy, nhóm người từ 51 đến 60 tuổi chiếm 31,2%, những người trên 61 tuổi chiếm 43,4%. Trong khi đó, lao động trẻ (từ 31 đến 40 tuổi) chỉ chiếm khoảng 8% [4]. Xu hướng này phản ánh thực tế rằng, ngày càng ít thanh niên tham gia sản xuất lúa, do họ chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp hoặc di cư lên các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn hoặc đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, tỉ lệ lao động nữ tham gia trồng lúa cao hơn nam giới, vì nam giới thường rời bỏ nông nghiệp để làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hoặc dịch vụ. Một số lao động dù đã lớn tuổi nhưng vẫn rời quê để làm các công việc với mức thu nhập cao hơn như: giúp việc gia đình, phụ hồ, xe ôm, chăm sóc người ốm tại các bệnh viện hoặc thu mua phế liệu,… Những người ở lại làm nông nghiệp chủ yếu là người già, phụ nữ và những người có sức khỏe kém. Điều này dẫn đến hệ quả, ngành trồng lúa thiếu hụt lao động chính và không có đội ngũ lao động trẻ có tay nghề.
Phần lớn lao động trồng lúa ở các tỉnh ĐBBB có trình độ học vấn thấp: 55,6% mới học hết tiểu học; 24,2% học đến trung học cơ sở; 16,2% hoàn thành phổ thông trung học; chỉ có 4,0% có trình độ từ trung cấp trở lên [4]. Trên phạm vi cả nước, khoảng 70% lao động nông nghiệp chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo chuyên môn nào [5].
Trong số những lao động trẻ sống ở vùng nông thôn ĐBBB, nghề nghiệp chính của họ thường là công chức cấp xã, công nhân, giáo viên hoặc những người làm các công việc tự do như: bán bảo hiểm, lái xe, xây dựng… Họ chỉ tham gia công việc đồng áng vào cuối tuần, với tư cách là hỗ trợ hoặc phụ giúp cùng gia đình. Hiện nay công việc tại các công ty, khu công nghiệp có thể đem tới cho họ mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca có thể được 8 - 10 triệu/tháng. Số tiền này họ có thể mua thóc, gạo ăn mà vẫn dư giả để tích lũy. Trong khi trồng lúa phải mất từ 3 đến 4 tháng mới được thu hoạch. Mỗi vụ (nếu được mùa) cũng chỉ được khoảng 2 - 2,5 tạ/sào. Hơn nữa, chi phí trồng lúa ngày càng tăng, bao gồm: tiền công thuê máy cày, máy bừa, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, máy cấy, máy gặt… Ngoài ra, do diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang nhiều, các loài chuột bọ sinh sôi rất nhanh, cắn phá, làm giảm năng suất trồng lúa.
Do hiệu quả trồng lúa thấp, nhiều hộ dân tại ĐBBB đã chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi hoặc trồng các loại cây ăn quả. Tại xã Châu Sơn (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), nhiều hộ đã chuyển đất canh tác nông nghiệp sang trồng củ ấu hoặc đào ao thả cá, chăn nuôi lợn, gà... Một số vùng khác như thôn Ái Nàng (xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chuyển từ trồng lúa sang trồng sen, vừa cho thu nhập cao lại có giá trị về du lịch.
Với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhiều nơi đang thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ. Điều này đã tạo cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ, khiến họ chuyển hướng sang làm công nhân hoặc tham gia vào các ngành dịch vụ, thương mại. Những người còn lại làm nông nghiệp chủ yếu là người già, phụ nữ và những người không còn khả năng lao động mạnh mẽ hoặc vì không có bằng cấp nghề nghiệp nên không thể tìm được công việc khác ngoài đồng ruộng. Nữ nông dân 65 tuổi (xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Thời nay để cấy mấy sào lúa lấy thóc ăn vất vả và tốn kém lắm nhưng chúng tôi già rồi, muốn đi làm công ty cũng không ai nhận. Chúng tôi có sẵn cái nghề nông nên chỉ biết bám vào đồng ruộng để kiếm sống. Từ rất lâu rồi, con cháu trong làng cứ học xong là lên thành phố làm hết. Đứa nào ở nhà thì cũng đi làm công ty chứ không chịu làm ruộng. Giờ ở quê chỉ còn người già như chúng tôi làm ruộng”. Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp ở các tỉnh ĐBBB ngày càng bị thu hẹp do các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, đường xá… Điều này khiến nhiều nông dân mất tư liệu sản xuất, không có việc làm, không có thu nhập. Họ buộc phải di cư đến các khu đô thị để làm thuê, tìm việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trẻ có chất lượng tại các vùng nông thôn ĐBBB.
Tác động của già hóa lao động đến ngành trồng lúa
Với sự gia tăng tỉ lệ người cao tuổi trong lực lượng lao động nông thôn, việc duy trì và nâng cao chất lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp đang trở nên ngày càng khó khăn. Theo số liệu từ Tổng cục Dân số, có khoảng 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định [1]. Phần lớn nông dân ở các vùng nông thôn thường không có lương hưu. Một số ít người sống nhờ vào phụ cấp của Nhà nước hoặc sự hỗ trợ từ con cháu. Số người còn lại mặc dù tuổi ngày càng cao, sức càng ngày càng yếu nhưng họ vẫn cố bám trụ vào đồng ruộng vì không muốn phụ thuộc vào con cái. Tuy nhiên, người cao tuổi chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm truyền thống, ít có cơ hội tiếp cận với những cải tiến công nghệ mới trong nông nghiệp. Điều này dẫn đến năng suất lao động thấp, hiệu quả công việc không cao và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Sự chậm trễ trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ của người lao động nông thôn còn thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức về khoa học công nghệ. Mặc dù nhiều máy móc đã được đưa vào sử dụng nhưng do chưa có sự chuyển giao và chưa được đào tạo đúng đắn, nhiều người nông dân không biết cách sử dụng, khiến máy móc trở thành gánh nặng chứ không phải công cụ hỗ trợ. Đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Điều này gây ra nhiều thách thức trong công tác đào tạo, dạy nghề, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ cho nhà nông.
Đa số lao động cao tuổi thường trồng lúa theo phương thức thủ công truyền thống và có chung tâm lý ngại thay đổi. Mặc dù máy móc có thể giúp họ giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất nhưng họ đã quen với công việc đồng áng tay chân “một nắng hai sương”, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”… nên nếu còn sức khỏe thì họ muốn tự làm mọi việc. Chỉ những công đoạn thực sự nặng nhọc hoặc không còn phù hợp với phương thức trồng lúa hiện nay thì họ mới phải thuê máy móc. Bởi vì chi phí bỏ ra để thuê máy móc cũng là một khoản kinh phí lớn đối với người trồng lúa. Điều này dẫn đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp nhiều trở ngại.
Xu hướng người trẻ rời bỏ nông thôn để tìm kiếm việc làm ở các thành phố khiến lực lượng lao động trồng lúa chỉ còn lại người già và phụ nữ. Điều này tạo ra khoảng trống về nhân lực, thiếu lực lượng lao động kế cận, đặc biệt là những lao động có khả năng tiếp thu, vận hành các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Việc thiếu lao động trẻ còn hạn chế khả năng khởi nghiệp, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Sự già hóa lao động nông thôn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn làm tăng nhu cầu về chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Điều này có thể gây áp lực lên ngân sách của địa phương.
Giải pháp khắc phục tác động của già hóa lao động đến ngành trồng lúa tại Đồng bằng Bắc Bộ
Nhóm giải pháp về chính sách:
Nghiên cứu và triển khai các chính sách hỗ trợ người cao tuổi làm việc trong ngành trồng lúa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời xây dựng các mô hình chăm sóc lao động cao tuổi phù hợp với các đặc điểm về giới, độ tuổi, vùng miền, trình độ học vấn… nhằm phát huy vai trò lao động cao tuổi trong đóng góp phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội tại địa phương và cộng đồng. Ví dụ: tỉnh Thái Bình đã thành lập hơn 1.000 Câu lạc bộ phụ nữ cao tuổi, Câu lạc bộ liên thế hệ, Tổ phụ nữ cao tuổi… thu hút 39.240 phụ nữ cao tuổi tham gia, tạo môi trường giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp và đời sống [3]. Hay ở Nam Định đã thành lập mô hình Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm tập hợp nông dân giỏi để chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa, đồng thời hỗ trợ nhau tiếp cận các gói vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất [2].
Hoàn thiện chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề cho cư dân nông thôn. Triển khai rộng rãi các chương trình đào tạo, dạy nghề, phổ biến kiến thức về công nghệ nông nghiệp, sử dụng máy móc và kỹ thuật hiện đại, giúp người nông dân nắm bắt được kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Xây dựng các quỹ hỗ trợ vay vốn ưu đãi nhằm giúp nông dân cao tuổi có điều kiện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó cần ban hành các chính sách giữ chân lao động trẻ, khuyến khích thanh niên ở lại quê hương tham gia sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cần phải có các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách này góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp họ thêm yêu và làm giầu từ cây lúa.
Triển khai chính sách dồn điền đổi thửa, thiết lập các cánh đồng mẫu sử dụng máy móc trong trồng lúa. Khuyến khích những hộ đã áp dụng thành công kỹ thuật mới chia sẻ kinh nghiệm, tạo niềm tin và sự lan tỏa trong cộng đồng. Thực hiện các chương trình thi đua nông dân sản xuất giỏi, trao phần thưởng cho những cá nhân, tập thể có sáng kiến và thành công trong hiện đại hóa trồng lúa.
Nhóm giải pháp về đào tạo và chuyển giao công nghệ:
Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn ngắn hạn và dài hạn tại các địa phương nhằm phổ biến kiến thức mới, giới thiệu về kỹ thuật trồng lúa tiên tiến, những mô hình trồng lúa công nghệ cao, sử dụng máy móc hiện đại trong canh tác.
Xây dựng mạng lưới khuyến nông tại địa phương để hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ mới. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các công nghệ như: giống lúa năng suất cao, máy móc tự động hóa nhằm giảm bớt gánh nặng lao động thủ công.
Nhóm giải pháp về thu hút lao động trẻ:
Tạo cơ hội việc làm ổn định cho người làm nghề trồng lúa như: hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, gắn sản xuất trồng lúa với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp tại địa phương thông qua các dự án khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và công nghệ cao.
Nâng cao đời sống văn hóa, xã hội ở nông thôn. Cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí… để giữ chân lao động trẻ gắn bó với quê hương.
Kết luận
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đang tạo ra cơ hội và thách thức lớn đối với nông dân, đặc biệt là ở ĐBBB và nhiều vùng nông thôn khác. Nông dân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước, tuy nhiên phần lớn lực lượng lao động hiện nay đều lớn tuổi, thiếu đào tạo bài bản và chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm. Điều này dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập bấp bênh và hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: hỗ trợ người lao động cao tuổi ở nông thôn tiếp cận công nghệ, đào tạo kỹ năng sản xuất mới, thu hút lao động trẻ có tay nghề vào nông nghiệp thông qua chính sách việc làm, khởi nghiệp nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mới, giúp nông dân nâng cao năng suất và thu nhập từ sản xuất lúa. Sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân sẽ là chìa khóa giúp hiện đại hóa nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Nga (2023), Dân số Việt Nam bước vào giai đoạn già năm 2036, Báo điện tử vnexpress. Nguồn: https://vnexpress.net/dan-so-viet-nam-buoc-vao-giai-doan-gia-nam-2036-4647300.html
2. Phạm Minh Quyết (2024), Hội Nông dân tỉnh Nam Định tổ chức Ngày Nông dân khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số năm 2024 và ra mắt Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Nam Định, Báo điện tử Hội Nông dân tỉnh Nam Định. Nguồn: https://hoinongdannamdinh.org.vn/detail-actives-Hoi-Nong-dan-tinh-Nam-Dinh-to-chuc-Ngay-Nong-dan-khoi-nghiep,-ung-dung-chuyen-doi-so-nam-2024-va-ra-mat-Cau-lac-bo-Nong-dan-san-xuat,-kinh-doanh-gioi-tieu-bieu-tinh-Nam-Dinh-11654.html
3. Hội LHPN tỉnh Thái Bình (2024), Thái Bình có trên 1 nghìn mô hình câu lạc bộ dành cho phụ nữ cao tuổi, Báo điện tử Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Nguồn: https://www.hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thai-binh-co-tren-1-nghin-mo-hinh-cau-lac-bo-danh-cho-phu-nu-cao-tuoi-142501-7.html?utm_source=chatgpt.com
4. Hoàng Thị Thêm (2024), Công cụ trồng lúa nước của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ, Luận án Tiễn sĩ Việt Nam học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội (kết quả điều tra khảo sát).
5. Trần Đức Viên (2023), Phát triển nông nghiệp Việt Nam: vấn đề đặt ra và một số giải pháp, Báo điện tử Tạp chí Cộng sản. Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/828917/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam--van-de-dat-ra-va-mot-so-giai-phap.aspx

