- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Những biến đổi trong quan niệm về một số lĩnh vực của dân số
Quan niệm về giá trị đạo đức
Đức là từ dùng để thể hiện cái tốt, cái đẹp trong tính nết, tư cách và hành động của con người. Hai chữ đạo đức để chỉ những tiêu chuẩn, những nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi tốt đẹp của con người đối với nhau và đối với xã hội[1]. Đạo đức còn để chỉ lối sống, cách sống, lý lẽ sống tốt đẹp của con người và ngụ ý về những phẩm chất tốt đẹp của con người trong đời sống cộng đồng. Dù đã trải qua nhiều hình thái xã hội, nhưng đạo đức trong xã hội nào cũng luôn luôn đề cao những giá trị chân thiện mỹ, hướng tới chính nghĩa, tôn thờ cái thiện, cái đẹp, căm ghét cái phi nghĩa, phủ định cái ác, cái xấu… Đạo đức không thể tự nhiên sinh ra cùng với con người mà phải được dạy dỗ, được tiếp thu và được trải nghiệm mới có thể hiểu và từ đó trở thành niềm tin dẫn dắt đời người.
Ngày nay, đạo đức được định nghĩa “là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh cách đánh giá và cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”[2].
Đạo đức gồm một hệ thống các giá trị bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu giá trị đạo đức phù hợp với sự phát triển, tiến bộ của xã hội thì có tính tích cực, nhân đạo. Ngược lại, giá trị ấy mang tính tiêu cực, phản nhân đạo. Do đó, giá trị đạo đức mang tính xã hội, được quy chiếu bởi cái chung, bởi sự thừa nhận, đánh giá của xã hội. Lợi ích xã hội là tiêu chuẩn khách quan để xem xét các giá trị đạo đức. Những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức phù hợp với lợi ích xã hội thì có giá trị, được đánh giá cao. Trong xã hội phong kiến ở Việt Nam trước đây, nhà nhiều con là nhà có phúc, là tấm gương cho mọi người, mọi nhà thì ngày nay, mô hình gia đình ít con được xã hội cổ súy vì phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Như vậy, có thể thấy một số chuẩn mực đạo đức được đánh giá cao ở xã hội này nhưng lại là không thể chấp nhận được trong xã hội khác. Nếu xã hội Âu Mỹ đề cao tính tự do cá nhân thì người sống trong xã hội có tính tôn giáo cao ví dụ ở các đất nước Hồi giáo, thì lại cần tuân theo các quy định chặt chẽ của tôn giáo, mới được coi là người có đạo đức.
Hệ thống giá trị đạo đức có tính lịch sử, bao gồm cả các giá trị truyền thống. Không khó để thấy những giá trị đạo đức cơ bản từ xưa để lại mà xã hội nào cũng có, như yêu thiện, ghét ác, ca ngợi cái đẹp, phủ định cái xấu, tôn vinh lao động, châm biếm lười nhác, đánh giá cao phẩm chất chính trực, trung thực, lòng nhân ái, lòng dũng cảm… Khi chế độ xã hội thay đổi, nhiều giá trị đạo đức dĩ nhiên cũng sẽ thay đổi phù hợp. Các chuẩn mực đạo đức cũ, lỗi thời không còn phù hợp với tiến bộ xã hội sẽ dần biến mất. Các chuẩn mực đạo đức mới, tiến bộ hơn ra đời, dần được củng cố và phát triển. Nếu trong xã hội phong kiến phụ hệ, người đàn ông đức cao vọng trọng có thể có nhiều vợ, nhiều con thì trong xã hội ngày nay lại là vi phạm pháp luật, không được đánh giá cao về mặt đạo đức. Mỗi nền văn hóa mang những chuẩn mực đạo đức riêng, đậm màu sắc truyền thống.
Trong đời sống xã hội tồn tại nhiều giá trị và hệ thống giá trị, nhưng không phải đều là giá trị đạo đức. Chỉ những phẩm chất giá trị tốt đẹp, có ích lợi cho gia đình, cộng đồng, xã hội, mang tính định hướng cuộc đời, điều chỉnh nhân cách con người, được xã hội thừa nhận, được nhiều người trong các tầng lớp xã hội coi là lẽ sống, phấn đấu noi theo mới được coi là giá trị đạo đức. Giá trị đạo đức cũ, lỗi thời, sẽ trở thành lạc hậu, thậm chí phản động, kìm hãm sự phát triển xã hội, sẽ bị loại trừ khỏi đời sống xã hội.
Sự thay đổi các giá trị đạo đức liên quan đến lĩnh vực dân số
Thời thượng cổ, loài người còn sống quần cư, trong các bộ lạc, có quan hệ tạp giao, tự nhiên như “bầy thú hoang”. Các quy ước tập quán đạo đức về tính giao, luyến ái khi đó còn rất sơ khai, thuần phác. Ở chế độ mẫu hệ, người đàn bà, người mẹ có vai trò quan trọng hơn đàn ông trong duy trì đời sống gia đình, bộ tộc. Có thể thấy một số tàn dư ở một vài dân tộc, như tục ngủ thăm, chọc sàn, bắt vợ, kéo vợ[3], hay con gái đến tuổi cập kê thì cha mẹ dựng cho cái chòi riêng, để có thể tự do “tìm hiểu”... hoặc vẫn tồn tại ở một số dân tộc Tây nguyên ngày nay, con gái đi bắt chồng, con trai về nhà gái ở rể, con cái sinh ra mang họ mẹ, thuộc về nhà mẹ. Theo tập tục nối dây, nếu vợ chết thì người chồng sẽ phải lấy chị hoặc em gái chưa chồng (nếu có) của người đã khuất để không phải… chia của. Việc cấm quan hệ tính giao trong nội bộ gia đình, sau đó là trong nội tộc là vì sự tồn vong của bộ tộc, làm suy yếu nòi giống. Do vậy, quan hệ tính giao trong gia đình, nội tộc dần trở thành vô đạo đức, là loạn luân, chính là vì lợi ích của giống nòi.
Chế độ phong kiến, dựa trên cơ sở bóc lột nông dân có những giá trị đạo đức của chế độ đó. Giới địa chủ, quan lại, vua chúa, dùng tôn giáo và hệ thống giá trị đạo đức phong kiến để cột chặt người nông dân vào ruộng đất. Nhà nước phong kiến cưỡng bức nông dân bằng vũ lực và dạy dỗ họ theo hệ tư tưởng phong kiến, để họ chấp nhận và bằng lòng với đạo đức thân phận nông dân, trung quân - trung thành với nhà vua, phục tùng giới quan lại và tầng lớp địa chủ và lấy đó làm lẽ sống. Do cần nhiều sức lao động cho canh tác nông nghiệp, người đàn ông có của ở chế độ phong kiến được khuyến khích mua nhiều ruộng, tậu nhiều trâu, lấy nhiều vợ, sinh nhiều con và như vậy, là người mẫu mực về đạo đức. Ở trong chế độ phụ hệ, đàn ông là chủ gia đình, phụ nữ sẽ được gả chồng từ rất sớm, có thể từ 13 tuổi hoặc thậm chí sớm hơn, để trở thành lao động phục vụ nhà chồng và được dạy dỗ rất kỹ giá trị đạo đức về lòng chung thủy, “tam tòng, tứ đức”, sinh nhiều con, phải sinh con trai nối dõi cho nhà chồng… Đạo đức xã hội trong chế độ phong kiến không ủng hộ việc tránh thai, phá thai, tự do hôn nhân. Vô đạo đức là kẻ không chồng mà chửa, có con gái mà không gả được chồng là nhà kém đức... Bởi vì là xã hội phụ quyền, những giá trị đạo đức trong tình dục, hôn nhân và gia đình này chủ yếu nhằm vào người phụ nữ. Vẫn có thể thấy các tàn dư này còn tồn tại trong các giá trị đạo đức truyền thống liên quan đến luyến ái, hôn nhân ở Việt Nam hiện nay.
Ở giai đoạn đầu của chế độ tư bản rất cần sức lao động tự do, thoát ly ruộng đất để cung cấp nhân lực làm thuê trong công xưởng, nhà máy, thúc đẩy chủ nghĩa tự do, bình đẳng, trong khi “trung quân” không còn là giá trị đạo đức hàng đầu mà là sự tự do cá nhân, bảo vệ của cải tư nhân, phục tùng giới chủ và pháp luật của nhà nước tư sản.
Lối sống công nghiệp và đời sống đô thị ngày nay tác động mạnh đến các giá trị đạo đức về gia đình truyền thống. Mô hình gia đình hạt nhân 1 chồng 1 vợ, cùng có quyền sở hữu tài sản, dễ dàng tự do di chuyển, tự do hôn nhân, sinh con và đi kèm với nó là quyền tự do tránh thai[4] ngày càng phổ biến. Cùng với sự phát triển lên xã hội tư bản hiện đại, số đông người dân lao động sống trong xã hội tự nguyện lựa chọn lối sống tự do, vị tình yêu trong đời sống tình dục cá nhân, kết hôn muộn, sinh ít con... Sống chung không giá thú dần trở nên phổ biến dẫn đến các biến thể như chung sống không có con; sinh con không hôn nhân; hôn nhân đồng giới; thậm chí sống quần hôn tạp giao hay quan hệ “vợ chồng” với ro-bot tình dục[5]…
Để ngăn chặn sự bùng nổ dân số quá đà và hậu quả đói nghèo được cảnh báo trước của nạn nhân mãn –dân số quá đông, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên… nhiều nước, phần lớn là đang phát triển đã sử dụng công cụ pháp lý, pháp luật và chính sách DS-KHHGĐ để tuyên truyền, giáo dục, điều chỉnh hành vi sinh đẻ người dân, sinh ít con, không phân biệt con trai con gái…[6]. Trước đây, các bậc cha mẹ không hài lòng khi cặp vợ chồng trẻ chưa có con hoặc mới có 1 con đã thực hiện KHHGĐ, nên có thể gây sức ép với họ, nhất là đối với con dâu. Phụ nữ do không sinh được con trai, có thể phải chịu đựng thái độ, lời nói xúc phạm từ phía gia đình nhà chồng, tậm trí gây sức ép đẻ tiếp và thậm chí phải để chồng “đi ra ngoài lấy đứa nối dõi”. Khi đó, hầu như chỉ có việc thực hiện KHHGĐ mới thường bị cản trở, thì hiện nay vì nhiều lý do khác nhau, đã có thể có người bị cưỡng bức thực hiện KHHGĐ[7]. Giờ đây, tất cả những ai cố tình thực hiện hành vi ngăn cản hoặc cưỡng bức người khác thực hiện biện pháp tránh thai đều có thể phải đối diện với pháp luật. Ngày nay, KHHGĐ đã trở thành nhu cầu và là quyền con người được pháp luật bảo vệ. Các giá trị đạo đức liên quan đến lĩnh vực này được hình thành và dần được củng cố. Như vậy, sự phát sinh và phát triển của đạo đức nói chung và đạo đức trong đời sống tình dục, luyến ái, hôn nhân, sinh con, gia đình… nói riêng, xét cho cùng là kết quả của quá trình phát triển các hình thái xã hội do phương thức sản xuất quyết định.
Nên thấy rằng các vấn đề dân số thuộc về lĩnh vực nhạy cảm đạo đức, do trước tiên thường được coi là vấn đề cá nhân, riêng tư, liên quan đến sinh hoạt vợ chồng. Vì lẽ đó, chủ đề này trước đây thường được đề cập “sau cánh cửa khép”. Sau gần 60 năm hiện thực công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam, vấn đề này cũng đã bớt được coi là cấm kỵ, thậm chí cùng với sự mở cửa giao lưu văn hóa, trở nên “thoáng”, nhưng vẫn còn là chủ đề nhạy cảm đối với những giá trị đạo đức truyền thống trong lĩnh vực tình cảm đôi lứa. Thứ hai đây là nơi tiềm tàng xung đột giữa các giá trị truyền thống và các quyền được pháp luật hiện hành bảo vệ (xem bên dưới). Thứ ba, có thể thấy được sự khác biệt về quan niệm, tập tục giữa các nền văn hóa đang tồn tại và giữa nỗ lực khuyến khích bảo tồn trước những đổi thay về tư tưởng và hành vi do thế giới hiện đại đem lại. Thứ tư là mảnh đất cho các khả năng xung đột giữa các thế hệ. Thứ năm, do “độ trễ nhận thức” của các hiện tượng dân số mà vấn đề dân số trở nên nhạy cảm. Những hệ quả do các hiện tượng, biến động dân số đem lại bắt đầu rõ, “đánh thức” nhận thức của dư luận xã hội và của các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách thường là sau vài chục năm. Ví dụ việc phê phán, cảnh báo hoặc đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại của “chính sách 1 con” là vấn đề rất nhạy cảm vào những năm 70-90 của thế kỷ trước tại Trung Quốc. Những vấn đề như cưỡng chế phụ nữ thực hiện KHHGĐ, phá thai hoặc giết thai nhi gái, mất cân bằng giới tính khi sinh và tiếp theo thiếu phụ nữ ở độ tuổi kết hôn, già hóa dân số nhanh, sụt giảm dân số cùng với tỷ số phụ thuộc người già cao, buôn bán phụ nữ và trẻ em, lấy vợ nước ngoài qua các tour du lịch, kinh doanh đồ chơi tình dục phổ biến, tình dục với búp bê… đã không được nhận biết sớm. Sau 30 năm, tất cả những điều trên đang dần xuật hiện, mà không có thể thay đổi được. Sau đây là một số vấn đề nổi bật:
- Giảm thiểu tảo hôn: Tảo hôn là hiện tượng kết hôn của hai người nam và nữ khi một trong hai người hoặc cả hai người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi trở lên). Tảo hôn trở thành vấn nạn khi pháp luật ngăn cấm thông qua biện pháp giáo dục và bằng thực thi pháp luật. Tuổi của cặp đôi tảo hôn thường là từ 15 đến dưới 18 tuổi, cá biệt có thể thấp hơn. Trước đây, tảo hôn khá phổ biến trong đời sống xã hội. Ngày nay, người làm công tác dân số có thể thấy ở đó có nhiều vi pháp pháp luật, căn cứ theo Luật trẻ em, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh dân số 2003, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân… và vi phạm các quyền của phụ nữ đã được Hiến pháp quy định.
Mặc dù là vi phạm pháp luật, tảo hôn cho đến nay vẫn tồn tại ở nhiều nơi, không chỉ ở các vùng sâu vùng xa, vùng có các dân tộc ít người mà cả ở các vùng đồng bằng, ở người Kinh. “Tảo hôn là một trong các nguyên nhân làm suy giảm chất lượng dân số, dẫn đến đói nghèo. Ở Việt Nam, tỷ lệ tảo hôn ở vùng núi, vùng DTTS cao hơn các vùng khác và tảo hôn ở nữ giới cao hơn nam giới, tảo hôn ở nông thôn cao hơn ở thành thị”7.
“Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn chung là 26,6 %, cao gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%). Có 25/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn trên 10%”[8]. Tuy nhiên, số vụ tảo hôn ở người Kinh là nhiều hơn nhiều so với ở các DTTS vì người Kinh chiếm đến 87% dân số (theo số liệu năm 2017).
Theo UNICEF, Việt Nam có rất ít tiến bộ trong việc giảm tỉ lệ tảo hôn trong giai đoạn 2006-2014. Theo số liệu đánh giá năm 2014, có 10% phụ nữ (20-24 tuổi) đã kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi tròn 18 tuổi (ước tính có hàng chục nghìn vụ tảo hôn). Tỉ lệ trẻ nữ 15-19 tuổi đã kết hôn tăng gần gấp 2 lần, từ 5,4% năm 2006 lên 10% năm 20148.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn. Một phần do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, phần vì phong tục tập quán kết hôn sớm lạc hậu như tục lệ “bắt vợ”, tục “nối dây”, cưỡng ép hôn nhân ở vùng dân tộc ít người, hoặc lỡ mang thai trước… Trong nền kinh tế thị trường, quan điểm luyến ái cũng trở nên cởi mở và đơn giản hơn. Một trong những hệ lụy là việc chung sống như vợ chồng, không giá thú trở nên bình thường và làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm dẫn đến việc sinh con ở tuổi vị thành niên. Cán bộ chính quyền, đoàn thể xã hội cũng dễ cho qua vì “cả nể, thương hại…”, hoặc sẽ chỉ tiến hành xử lý khi có 1 bên thưa kiện hoặc giới truyền thông vào cuộc. Tình trạng thực thi pháp luật lỏng lẻo trong quản lý đăng ký kết hôn ở vùng miền núi dân tộc; các chế tài xử phạt vi phạm trong hôn nhân trước tuổi chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe đối với cả người dân và cán bộ thi hành công vụ. Theo UNICEF, tảo hôn ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp do nhiều nguyên nhân như bất bình đẳng giới, tình trạng kinh tế gia đình, tập quán và hủ tục, mang thai vị thành niên, nhận thức yếu kém của cha mẹ và trẻ em về những rủi ro trên internet và mạng xã hội, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm minh và khung pháp lý không có hiệu quả đối với một số dạng tảo hôn. Do những bất cập giữa luật pháp, biện pháp xử lý hành chính và tập tục trong đời sống thực tế, tảo hôn thực sự vẫn là một vấn đề nhạy cảm đạo đức trong công tác DS-KHHGĐ nói riêng và công tác thực thi pháp luật nói chung hiện nay.
- Ngăn chặn và loại bỏ hôn nhân cận huyết thống:
Hôn nhân cận huyết thống là hình thức hôn nhân giữa người nam và nữ có cùng dòng máu trực hệ, trong phạm vi 3 đời[9]. Mặc dù ít gặp ở người Kinh, nhưng kết hôn cận huyết thống phổ biến hơn ở các dân tộc thiểu số, và đang là vấn đề nhạy cảm đạo đức trong công tác dân số.
Theo Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015[10], hôn nhân cận huyết thống có ở nhiều dân tộc thiểu số, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Theo khảo sát tại huyện Kim Bôi (Hòa Bình), nơi có 90% dân số là người Mường, có tới 23% dân số trong huyện mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thường là hậu quả của hôn nhân cận huyết thống…
Việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng chưa đạt được hiệu quả cao, một phần do sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết ở địa phương. Thực tế cho thấy, không chỉ xảy ra với gia đình người dân “mà cả gia đình cán bộ, đảng viên là lãnh đạo xã, phường cũng tiếp tay, thậm chí tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn có thể diễn ra ngay trong gia đình của họ. Mặt khác, quy định về cấm kết hôn, hủy kết hôn trái pháp luật giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là ít tính khả thi khi áp dụng tại các vùng dân tộc thiểu số…”[11]. Khoảng cách giữa các giá trị, tập tục truyền thống với pháp luật rõ ràng đã làm cho công tác của cán bộ dân số cơ sở trở nên “nhạy cảm” về đạo đức, khi vẫn còn sự khác biệt giữa nhận thức (lạc hậu) của người dân và pháp luật.
- Mất cân bằng giới tính khi sinh: Vấn đề nhạy cảm đạo đức khác hiện nay là “lựa chọn giới tính thai nhi”. Mặc dù là hành vi vi phạm Pháp lệnh dân số năm 2003, diễn biến tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam vẫn đang rất phức tạp ở cấp độ quốc gia. Năm 2011, 45 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao đến rất cao là từ 107 đến hơn 115[12]; năm 2018, là 112,7[13]. Trái với nỗ lực của cơ quan chuyên trách công tác DS-KHHGĐ, bằng nhiều phương pháp khác nhau, việc lựa chọn giới tính khi sinh vẫn xảy ra, có thể coi là ở mức độ phổ biến. Thái độ của người dân tại cộng đồng dường như ít phản đối, “chấp nhận”, “làm ngơ”. Thực tế là ở các cộng đồng dân cư, làng xã, một số gia đình thực hiện việc “tìm kiếm con trai” không phải là trong bí mật và, có lẽ không thể không có sự “giúp đỡ” của những người có chuyên môn. Mặc dù đó là một hành vi vi phạm pháp lệnh dân số và thậm chí quan niệm đạo đức trong dân gian còn cho rằng phá thai là vô đạo đức, là “thất đức”, nhưng không dễ xử lý theo quy định của pháp luật và cũng ít bị phản đối trong cộng đồng. Bằng chứng là có thể nhanh chóng tìm thấy thông tin, hướng dẫn và thậm chí, hỗ trợ về việc sinh con trai, con gái theo ý muốn trên mạng xã hội. Chắc chắn lựa chọn giới tính thai nhi là 1 trong các nguyên nhân làm số ca phá thai ở Việt Nam là rất cao, 250 đến 300 nghìn ca mỗi năm12.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta và một số nước châu Á khác là bằng chứng rõ ràng về kết quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi. Các tác động tiêu cực về lâu dài của hiện tượng này đã được các chuyên gia nhân khẩu học và các nhà hoạt động văn hóa xã hội chỉ rõ. Bài học đắt giá và đau xót về mất cân bằng giới tính bắt nguồn từ lựa chọn giới tính thai nhi ở các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã và đang diễn ra. Tác hại của nó không chỉ đối với quốc gia, dân tộc đó mà cho cả những nước xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Xét về nhiều khía cạnh, tình hình đã trở nên nghiêm trọng, cấp bách tương tự như vấn đề kiểm soát mức sinh vào cuối thế kỷ trước. Viên chức dân số cần ý thức hơn ai hết và là những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền ngăn chặn hiện tượng này.
- Kết hôn với người nước ngoài
Một trong những hệ lụy tất yếu của các nước chịu ảnh hưởng của Khổng giáo mất cân bằng giới tính nam là lấy vợ ngoại quốc mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ các nước nghèo Đông nam Á[14]. Bắt đầu từ cuối thế kỷ trước các tour du lịch với mục tiêu tuyển vợ, cùng với việc lừa đảo phụ nữ vì mục đích cưỡng bức hôn nhân, mại dâm, cưỡng bức lao động, buôn bán phụ nữ qua biên giới… chưa được nhận diện một cách đầy đủ dưới quan điểm dân số. Mất cân bằng giới tính khi sinh – cũng là 1 hệ lụy của việc can thiệp vào quá trình dân số, về mặt văn bản nhà nước, việc kết hôn với người nước ngoài chưa được xác định rõ ràng là 1 vấn đề dân số.
Theo thống kê của Bộ công an, từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam có 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong số đó, có 72% là nữ, chủ yếu là kết hôn với người Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc…78% trong số này có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp sống tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long[15]. Nếu trước đây việc lấy chồng chủ yếu là với người Trung Quốc, Ðài Loan thì gần đây xu hướng chuyển sang Hàn Quốc. Tình trạng chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn giữa phụ nữ Việt với công dân Trung Quốc gần đây có gia tăng nhanh tại các khu vực công trình, nhà máy do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Tại miền Bắc, tỉ lệ phụ nữ kết hôn với người nước ngoài thấp hơn, chủ yếu là các cô gái ở các tỉnh giáp với Trung Quốc. Cũng theo thống kê trên, có hơn 3.000 vụ buôn bán người sang Trung quốc, lừa hơn 5.800 nạn nhân, trong đó hơn 1.100 nạn nhân bị bán với mục đích hôn nhân.
Kết hôn với người nước ngoài là một thực tế, là một vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là bên cạnh các nước mất cân bằng giới tính ở một số nhóm nam giới có nhu cầu lấy vợ và sinh con. Bên cạnh việc thiếu các giải pháp ngăn chặn hành chính, thì thiếu vắng việc tư vấn chuẩn bị cho gia đình và bản thân người phụ nữ nhận diện đầy đủ tình trạng bản thân và có thông tin đầy đủ về đối tác hôn phối… đều có thể gây ra các hệ lụy về mặt xã hội, khi ở mức độ phổ biến. Việc buông lỏng tự phát hay can thiệp vào quá trình được các bên tham gia che dấu một cách cố ý đều là vấn đề nhạy cảm đạo đức xã hội đối với các cán bộ dân số ở cơ sở.
Các ví dụ trên đây là những minh chứng về sự khác nhau giữa đạo đức (truyền thống) và thực tế với pháp luật, mà những người làm công tác dân số đang phải đối mặt để giải quyết. Vấn đề là ở chỗ trong xã hội “sống và làm việc theo luật pháp”, một khi quan niệm đạo đức đã được pháp luật hóa thì các hành vi vi phạm pháp luật sẽ đồng thời cần được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Công tác dân số có phạm vi và nội dung rộng, bao trùm các vấn đề kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng dân số liên quan tới vấn đề luyến ái, hôn nhân, gia đình, họ hàng, xã hội, vấn đề tình cảm, đạo đức, pháp luật, pháp lý... đòi hỏi người viên chức dân số phải có kiến thức vừa rộng, vừa sâu, vừa tinh thông nghiệp vụ chuyên môn và bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp vững vàng, để có thể xử lý tốt các tình huống nhạy cảm đạo đức thường gặp trong cuộc đời công tác của mình.
HỒNG ANH
[1] Xem Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, năm 2000, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
[2] Xem Đạo đức học Marx-Lenin. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. 2004.
[3] Ví dụ như ở dân tộc Thái, Dao, H’mông… ở Việt Nam.
[4] Mặc dù vậy, có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng mô hình gia đình hạt nhân phương Tây hiện đại không hẳn đã là hình mẫu của bình đẳng giới trong gia đình, thể hiện qua sự phân công lao động, quyền lực và uy tín trong gia đình, mà trong đó vẫn có nhiều biểu hiện của chủ nghĩa gia trưởng được ủng hộ bởi các thiết chế xã hội vẫn còn duy trì bất bình đẳng giới (xem Những thay đổi trong gia đình và quan hệ họ hàng ở Phương Tây. Nhập môn Xã hội học. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội 1993).
[5] Ngày 25/10/2017, Sophia là robot đầu tiên đã được Ả Rập Saudi cấp quyền công dân.
[6] Ở châu Âu và các nước phát triển thì có xu hướng ngược lại, áp dụng chính sách khuyến sinh, ưu đãi với những cặp vợ chồng sinh nhiều con và thậm chí, đã nghĩ đến công cụ pháp luật yêu cầu các cặp vợ chồng cần sinh đủ 2 con.
[7] Lịch sử đã từng chứng kiến một số nhóm người, nhất là phụ nữ đã từng bị chính quyền phát-xít cưỡng bức triệt sản trong Đại chiến thế giới lần thứ 2.
[8] TCTK: Kết quả điều tra đánh giá Mục tiêu về trẻ em và phụ nữ (MICS4 và MICS5).
[9] Luật pháp về hôn nhân hiện nay có khác so với quan niệm bất thành văn ở người Kinh là chỉ được phép kết hôn nếu cách nhau ít nhất 5 đời; một số nơi thậm chí cấm kết hôn trong phạm vi nội tộc.
9 Xem Báo cáo Tổng quan thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc, UNDP và Irish Aids. Hà Nội 5/2017.
10. Xem Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 của Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015.
11. Xem Nguyễn Đình Cử: 50 năm chính sách giảm sinh ở Việt Nam (1961-2011): Thành tựu, tác động và bài học kinh nghiệm. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2011, trang 86.
[13]. Nguồn Báo cáo kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ năm 2018, Tổng cục DS-KHHGĐ.
[14] Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Ấn Độ là 1 ngoại lệ, mà hệ lụy là nạn lạm dụng tỉnh dục và buôn bán phụ nữ gia tăng. Thống kê chính thức cho thấy các vụ hãm hiếp ở Ấn Độ đã tăng lên chóng mặt trong 40 năm qua, từ 2.487 vụ (1971) lên 24.206 vụ (2011) và hơn 37.000 vụ (2014), tuy nhiên chưa thấy có xu hướng gia tăng kết hôn với phụ nữ ngoại quốc. GiadinhNet, ngày 08/12/2018.
[15] Theo CDangkybanquyenvn.com. Thực trạng công dân Việt Nam kết hôn với nước ngoài

