Những nghiên cứu về chính sách di dân ở Việt Nam

Để thực hiện mục tiêu chiến lược phân bố dân số phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và củng cố quốc phòng, ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm phân bố lại dân cư và lao động trong cả nước bằng những chính sách cụ thể như: chính sách vận động nhân dân đi xây dựng kinh tế mới, chính sách định canh định cư ổn định di dân tự do, chính sách di dân ổn định biên giới… Gần đây nhất là các chính sách di dân để phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mục tiêu dân sinh trên một số địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, để vừa đảm bảo cho khai hoang phát triển kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu quốc phòng, an ninh. Đánh giá tình hình thực hiện các chính sách di dân của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, đã có một số công trình nghiên cứu, các ấn phẩm, bài viết về thực hiện chính sách di dân.

Các nghiên cứu về chính sách di dân
1. Các nghiên cứu về tình hình thực hiện chính sách di dân xây dựng kinh tế mới, di dân định canh định cư, di dân ổn định biên giới.
Một trong những nghiên cứu đề cập khá toàn diện đến chính sách di dân là công trình của Đặng Nguyên Anh về Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi [1]. Trong nghiên cứu này, tác giả đã đi sâu tìm hiểu các loại hình di dân nổi bật ở miền núi trong những năm 1990, bao gồm di dân kinh tế mới, định canh, định cư di dân tự do và di dân ổn định biên giới, chỉ ra thực chất của các loại hình di dân này là loại hình di dân nông thôn - nông thôn. Đặc biệt là nghiên cứu đã đánh giá tổng quan về các chính sách di dân trên ba loại hình, phân tích những mặt được và chưa được trong chủ trương chính sách đối với các loại hình di dân nêu trên. Nhấn mạnh mặt được lớn nhất của chính sách di dân là phân bố lại lao động - dân cư, giãn dân đến những vùng vắng dân, thưa dân, vùng còn nhiều tài nguyên đất để phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, biên giới. Đồng thời chỉ ra mặt hạn chế của chính sách là nhiều quy định của chính sách đã bộc lộ sự bất cập, ít khả thi như chính sách di dân kinh tế mới với quy mô đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, mang tính bình quân và chưa tính đến những đặc trưng riêng của từng vùng. Công tác định canh định cư mặc dù được lồng ghép trong các chính sách hỗ trợ cho miền núi song chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, chưa góp phần ổn định đời sống của đồng bào tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi.
Quá trình đánh giá thực trạng, kiểm định hiệu quả của các chính sách di dân đối với các loại hình di dân, tác giả đã đi sâu phân tích, đánh giá đặc điểm chủ yếu của các cộng đồng di dân, dựa trên kết quả khảo sát mẫu của đề tài với 7 tỉnh tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Kết quả cho thấy, người di cư có cuộc sống tương đối ổn định và có mục đích di cư lâu dài, ổn định cuộc sống. Tuy có sự khác nhau giữa các địa phương trong nội dung các chính sách di dân và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, song mức độ hiểu biết về chính sách của người dân địa phương và nhận thức của cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế. Khả năng tiếp cận được các chính sách hiện hành phụ thuộc rất nhiều vào công tác thông tin, tuyên truyền và sự triển khai thực hiện đến người dân bằng các lợi ích cụ thể, dù dưới loại hình di dân nào. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện một hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với tình hình di dân và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi hiện nay là rất cần thiết.
Đánh giá về chính sách định canh, định cư trong những năm 1990, các nghiên cứu cũng khẳng định, chính sách đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần ổn định đời sống dân cư, đảm bảo gắn chặt mục tiêu an ninh lương thực với củng cố quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, do hiện tượng du canh, du cư trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn diễn tiến phức tạp, nên đến nay công tác này vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2000, trong số 38 tỉnh có hiện tượng du canh thì đối tượng cần định canh vẫn còn rất lớn và có hiện tượng tái du canh. Theo số liệu của Uỷ ban Dân tộc năm 2001, đối tượng này ở cấp độ toàn quốc là 356.000 hộ với 2,15 triệu người phân bổ ở 1410 xã. Trong số đối tượng cần vận động định canh, định cư thì đồng bào Hmông có tới 60 vạn người, Dao 49 vạn, Thái 34,6 vạn, Êđê 25.4 vạn, Bana 17 vạn. Đánh giá về Chương trình định canh, định cư, tác giả nhấn mạnh, đây là một thành phần không thể thiếu được trong hệ thống giải pháp chính sách xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách định canh, định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã được triển khai rộng khắp, đạt được những kết quả nhất định. Khi bắt đầu thực hiện công tác định canh, định cư, cả miền núi phía Bắc (1968) có 2.879.685 người du canh, du cư. Kết quả là, đến năm 1990 (sau 22 năm) đã vận động được 1.025.032 người định canh định cư (chiếm 35,61%) [1].
Trong bài viết về chính sách di dân lao động và phân bố dân cư miền núi Việt Nam, tác giả Trịnh Thị Quang đã đưa ra nhận định, chính sách di dân xây dựng các vùng kinh tế mới thực chất là di dân nông nghiệp, dòng di dân này do Nhà nước điều động được thực hiện theo hai giai đoạn. Thời kỳ đầu từ khi Chính phủ ban hành chính sách khai hoang miền núi đến cuối những năm 1980 và được đánh dấu bằng Quyết định 95/CP của Hội đồng Chính phủ. Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 1990, các chính sách di dân xây dựng kinh tế mới được thực hiện theo các dự án và chương trình di dân. Vùng nhập cư chủ yếu là Tây Nguyên. Chủ trương di dân kinh tế mới của Nhà nước nhằm phân bổ lại dân cư và lao động trong cả nước, khai thác tiềm năng phong phú của vùng. Tổng số dân kinh tế mới vào Tây Nguyên tính đến đầu năm 2002 khoảng 160 nghìn hộ, bao gồm người Kinh từ các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng, duyên hải Nam Trung Bộ và một bộ phận dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc ra đi theo chương trình tái định cư thủy điện (Dự án hợp tác Vietnam - Canada LPRV năm 2003) [3]. Nghiên cứu của Iwai Misaki (Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, Nhật Bản), đã chỉ ra bản chất của di dân kinh tế mới sau năm 1975 là loại hình di dân nông thôn - nông thôn, với chủ trương của Chính phủ Việt Nam là nhằm phân bố lại dân số, tiến hành khai hoang hóa những vùng đất trống. Đặc điểm của phong trào di dân ở Việt Nam là di dân có tổ chức gắn với chính sách hợp tác hóa nông nghiệp. Loại hình di dân này cũng đã được thực hiện ở một số nước Đông Nam Á như Indonesia và Philipine.
Trong công trình nghiên cứu về Di dân nông thôn miền núi: Những vấn đề chính sách và thực tế hiện nay, tác giả Đỗ Văn Hòa đã phân tích nhiều vấn đề, trong đó tập trung chủ yếu vào việc tiếp cận vốn và tư liệu sản xuất của người di cư, chính sách cho các hộ gia đình di cư có kế hoạch mặc dù được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế chung của cả nước, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mức hỗ trợ chưa phù hợp. Các chính sách cho người di cư vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu như nhà ở, điện, đường, trường, trạm y tế, nước sinh hoạt, vốn sản xuất… Tác giả cũng đưa ra một phân tích rất đáng lưu tâm là người di dân thường xuất thân từ hộ nghèo, gia đình nhiều nhân khẩu, thiếu vốn, lao động không có tay nghề… Nông thôn miền núi là nơi người dân trình độ học vấn chưa cao, tập trung nhiều đồng bào dân tộc, vì vậy cần thu hút nhóm có học thức cao và đào tạo đội ngũ người dân bản địa để thúc đẩy phát triển bền vững vùng khu vực miền núi, dân tộc thiểu số [4].
Ngoài các chính sách di dân kinh tế mới, định canh định cư di dân tự do, di dân ổn định biên giới đã được các nghiên cứu đề cập. Chính sách di dân tái định cư trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã được các nhà nghiên cứu quan tâm. Trong số đó, các bài viết Chính sách tái định cư các dự án thủy điện theo định hướng phát triển bền vững của Đỗ Văn Hòa [5]; Công tác di dân, tái định cư trong các công trình thủy điện ở nước ta từ góc nhìn xã hội học của Đặng Nguyên Anh đã chỉ ra đặc thù của chính sách tái định cư các công trình thủy điện, làm rõ thực trạng chính sách tái định cư các công trình thủy điện, phân tích những vấn đề tồn tại trong chính sách, những bất cập trong cơ chế quản lý, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Đặc biệt trong quá trình thực hiện chính sách tái định cư, nâng cao hiệu quả công tác di dân tái định cư cần phải đảm bảo bền vững về sinh kế, môi trường, thực thi chính sách phải rõ ràng công khai, minh bạch dân chủ trong công tác đền bù, hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn của người dân di cư.
Các chính sách di dân không chỉ đơn thuần đáp ứng sự phân bố dân cư và cấu trúc lại lao động cho hợp lý giữa các vùng, miền mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với quốc phòng, an ninh. Di dân kinh tế mới còn là một trong nhiều chủ trương lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội góp phần ổn định chính trị, tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Di dân với mục tiêu là điều chỉnh lại sự phân bố dân số, điều động lao động phát triển sản xuất với việc hình thành địa bàn dân cư mới phục vụ sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Các mục tiêu của di dân nông nghiệp đi xây dựng các vùng kinh tế mới trên cơ sở đó hình thành hệ thống các điểm dân cư chiến lược tại các vùng trọng yếu, có ý nghĩa chiến lược đối với quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra còn có những nghiên cứu khác đề cập đến các vấn đề xã hội của các chính sách di dân điển hình như những nghiên cứu: Mấy vấn đề tâm lý của người chuyển cư đi xây dựng kinh tế mới, của Phạm Xuân Đại [5].  Xung quanh tình hình sản xuất và đời sống của một số cộng đồng di dân, của Đặng Nguyên Anh [1]. Những nhân tố xã hội trong quá trình ổn định của một số cộng đồng di dân, của Lưu Đình Nhân [6].
Những nghiên cứu về chính sách di dân đã góp phần khẳng định và làm rõ chiến lược di dân của Đảng, Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh qua từng thời kỳ.
2. Những nghiên cứu về di dân của các tộc người thiểu số
Trong các tài liệu, ấn phẩm xuất bản, các công trình nghiên cứu về di dân của các tộc người thiểu số ở nước ta thực tế không nhiều, yếu tố di dân chủ yếu được đề cập trong một số vấn đề có liên quan như chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, dân tộc và phát triển, các vấn đề xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực vùng sâu, vùng xa,…. Vấn đề di dân của các tộc người thiểu số trong mối liên hệ với phát triển chưa được xem xét đầy đủ trong các công trình nghiên cứu. Khái niệm và đo lường các loại hình di dân được các nghiên cứu sử dụng với sự đa dạng, do đó dẫn đến việc so sánh số liệu và kết quả nghiên cứu gặp khó khăn. Tuy những nghiên cứu trực tiếp về di dân trong phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa đậm nét, song một số công trình đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đáng chú ý liên quan đến việc nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an ninh lương thực, điều chỉnh chính sách di dân và phát triển kinh tế của các vùng dân tộc thiểu số.
Một số công trình nghiên cứu về di dân của tộc người thiểu số đáng chú ý như, Di dân tự phát của các dân tộc thiểu số từ miền Bắc và Tây Nguyên của Khổng Diễn và cộng sự. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã làm rõ thực trạng vấn đề di dân tự do của các tộc người thiểu số, đánh giá khá toàn diện các nguyên nhân dẫn đến di dân tự phát của một số cộng đồng dân tộc người thiểu số và đời sống của người di cư, chỉ ra những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực của di dân tự phát. Đồng thời, các tác giả đề xuất một số giải pháp có tính khả thi làm cơ sở cho các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách có chủ trương, chính sách về dân tộc và miền núi sát hợp với tình hình thực tế [7].
Trong công trình Di cư tự do của một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vào Đắk Lắk từ năm 1975 đến nay của Nguyễn Bá Thủy, đã góp phần làm rõ thực trạng di cư của một số tộc người Tày, Nùng, Hmông, Dao từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn vào Đắk Lắk thời kỳ 1975 - 2000, đồng thời tập trung phân tích những động lực, nguyên nhân và ảnh hưởng của di dân tự do đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của nơi nhập cư và xuất cư; trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng và tìm ra những nguyên nhân của dòng di dân này, tác giả đề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của di dân tự do đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh ở địa phương Đắk Lắk [8].     
Theo số liệu điều tra di dân Việt nam 2004, một tỷ lệ lớn những người tham gia dòng di cư nông thôn - nông thôn từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên là đồng bào các tộc người thiểu số. Nếu như trong giai đoạn 1999-2004, tỷ lệ đồng bào thiểu số di cư tới các đô thị ở phía Bắc và phía Nam chỉ chiếm tương ứng là 0,9 và 1,7%, thì tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số di cư tới các vùng Tây Nguyên chiếm tới 48,5%. Phân tích theo chiều cạnh khác, có thể thấy, trong số những người di cư là đồng bào dân tộc thiểu số, có gần 90% số người tham gia dòng di cư nông thôn - nông thôn; và chỉ có khoảng 10% số người tham gia dòng di cư nông thôn-đô thị [7]. Điều này lý giải theo lý thuyết “lực đẩy và lực hút” đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc, thì Tây Nguyên là vùng đất hứa hẹn với nguồn tài nguyên đất, rừng màu mỡ, khí hậu thuận lợi để canh tác. Đây là những yếu tố hút một bộ phận tộc người thiểu số từ các vùng nghèo, thiếu đất canh tác, thiếu việc làm và thu nhập thấp ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ di chuyển đến Tây Nguyên làm ăn sinh sống, định cư và phát triển. Đa số đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia dòng di cư nông thôn - nông thôn vào Tây Nguyên như đã nêu ở trên mà ít tham gia vào dòng di cư nông thôn - đô thị là bởi vì họ chủ yếu có trình độ văn hóa tương đối thấp và chưa qua đào tạo ngành nghề do đó họ rất khó cạnh tranh được việc làm ở các khu vực đô thị, do đó điểm đến vùng Tây Nguyên là một sự lựa chọn [7].
Bài viết Di dân nội địa của Francis Gendreau, xem xét các luồng di dân giữa các khu vực ở Việt Nam. Kết quả cho thấy Đắk Lắk và Lâm Đồng là những vùng có người nhập cư lớn (16,9%) ngày từ thời kỳ sau Đổi mới (1986-1990). Người di cư trong giai đoạn này chủ yếu là trẻ, độ tuổi 25-29. Kết quả khảo sát 15-20 năm sau đó vẫn cho thấy xu hướng này, điều này cho thấy có sự phù hợp với một nghiên cứu đã mô tả hiện trạng di cư của nhóm người trẻ tuổi (thanh niên) và chỉ ra ngày càng tăng của dòng di cư trong lứa tuổi thanh niên, đồng thời đây cũng là tác nhân gây ra tình trạng thiếu lao động ở các vùng nông thôn và chảy máu chất xám [10]. Số liệu Điều tra di cư Việt Nam năm 2004 tiếp tục minh chứng xu hướng trẻ hóa người di cư nhất là di cư đến Tây Nguyên, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và buôn bán, dịch vụ.
Cùng với việc tìm hiểu hướng di dân của một số tộc người thiểu số, Dự án Khảo sát một bộ phận đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên - Nguyên nhân, kiến nghị giải pháp của Ban Tôn giáo Chính phủ [10], đã hướng vào việc tìm hiểu nguyên nhân của một bộ phân người Hmông theo đạo Tin Lành di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên giai đoạn 1986 - 2006. Trên cơ sở đó kiến nghị một số giải pháp làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng các chính sách, nhằm thực hiện chủ trương bình thường hóa sinh hoạt đạo Tin Lành của người Hmông ở Tây Nguyên cho phù hợp với điều kiện văn hóa - xã hội, tập quán nơi đây, vừa đáp ứng được nhu cầu tinh thần của đồng bào, vừa không khuyến khích họ tiếp tục di cư. Cùng với hướng nghiên cứu này, trong một chuyên khảo Di cư của người Hmông từ đổi mới đến nay của Đậu Tuấn Nam, đã luận giải từ khi đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào các tộc người thiểu số vươn lên ổn định kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động nên đời sống của đồng bào các tộc người thiểu số nói chung cũng như tộc người Hmông nói riêng còn nhiều khó khăn. Trong nhiều năm qua, tập quán du canh, du cư của nhiều tộc người thiểu số, trong đó có tộc người Hmông vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều, đòi hỏi có sự quan tâm, nghiên cứu, phối hợp quản lý tốt hơn để đồng bào an tâm định canh định cư, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và bảo vệ lãnh thổ. Di dân tự do của tộc người Hmông trong thời gian qua ngày càng trở lên phức tạp, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn xuyên quốc gia, điều này tác động không nhỏ đến lĩnh vực quản lý xã hội, đến sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước [11].
Ngoài những nghiên cứu trên, còn có một số nghiên cứu đề cập đến di cư xuyên biên giới đối với ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay. Điển hình như công trình nghiên cứu về Di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số tác động đến ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng Tây Bắc Việt Nam hiện nay của Vũ Trường Giang; Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội của Đặng Thị Hoa và cộng sự. Trong những nghiên cứu này, bằng các phương pháp tiếp cận liên ngành nhân học, xã hội học, quốc tế học và khu vực học, với nguồn số liệu đa dạng từ các ngành, các cấp quản lý cung cấp kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học, các tác giả đã mô tả khá rõ về thực trạng di cư xuyên biên giới đối với phát triển xã hội nói chung và của các tộc người thiểu số ở các vùng biên giới nói riêng. Trong đó, nghiên cứu của Vũ Trường Giang đã làm khá rõ các dòng di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc, trong đó có cả hình thức di cư theo ngạch chính thức (di cư lao động ra nước ngoài) và di cư tự do. Chẳng hạn như, trong giai đoạn từ 2009 đến 2014 toàn vùng Tây Bắc mới xuất khẩu được trên 9000 lao động theo dạng chính ngạch, trong khi đó chỉ tính từ năm 2011 đến 2014 đã có hơn 20 vạn lao động đã và đang làm việc trái phép tại Trung Quốc. Ngoài các hình thức di dân lao động cả chính ngạch và phi chính ngạch còn có hình thức di dân tự do, vượt biên vì lý do đoàn tụ gia đình, buôn bán người và kết hôn qua biên giới. Các nguyên nhân di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc cũng được nghiên cứu chỉ ra như, nguyên nhân kinh tế - xã hội, văn hóa tộc người, nguyên nhân từ chính sách và cơ chế quản lý, từ hoạt động của các tôn giáo tác động đến việc di cư của họ. Trên cơ sở làm rõ thực trạng di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc, đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra những tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - xã hội vùng Tây Bắc trên cả khía cạnh tích cực và tiêu cực và đề xuất các giải pháp khả thi quản lý di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc [12].
Công trình nghiên cứu về Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội của Đặng Thị Hoa, đây là một nghiên cứu có góc nhìn mới về hôn nhân xuyên biên giới dưới chiều cạnh quản lý phát triển xã hội. Nghiên cứu đã cho một bức tranh khá tổng thể về tình trạng di cư hôn nhân xuyên quốc gia. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích khá rõ thực trạng hôn nhân xuyên quốc gia ở các vùng biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đồng thời nghiên cứu chỉ ra một số đặc điểm, nguyên nhân cơ bản của hôn nhân xuyên biên giới, đó là kết hôn đồng tộc, làm rõ hơn mối quan hệ hôn nhân xuyên biên giới chủ yếu là các quan hệ tộc người, quan hệ thân tộc vùng biên giới và mạng lưới tạo nên hôn nhân xuyên biên giới là mối liên hệ thông qua mai mối, tìm việc làm, buôn bán, làm thuê, các sinh hoạt truyền thống văn hóa, lễ hội tộc người. Cùng với việc làm rõ thực trạng, đặc điểm, mạng lưới hôn nhân xuyên biên giới của các tộc người vùng biên giới, nghiên cứu cũng đã chỉ ra những vấn đề xã hội, hệ lụy xã hội của thực trạng này như là vấn đề quản lý hôn nhân xuyên biên giới, vấn đề hộ khẩu, hộ tịch, di cư bất hợp pháp, những ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh biên giới [13].
Kết luận
Như vậy, các nghiên cứu ở trên đã cho chúng ta bức tranh khá tổng thể về vấn đề di dân nói riêng và các chính sách di dân ở Việt Nam nói chung. Chỉ ra được những nguyên nhân, loại hình di dân cũng như xu hướng di dân diễn ra thế nào. Đồng thời các chính sách về di dân của Đảng và Nhà nước được áp dụng tại các vùng, địa phương và thời kỳ, những điểm phù hợp và bất cập cần được giải quyết.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Nguyên Anh (2017), “Chính sách di dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi”, Tạp chí Khoa học xã hội, 6(94).
2. Phạm Nhật Tân (2019), “Tình hình di dân nông nghiệp đi xây dựng các vùng kinh tế mới từ năm 1975 đến nay”, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
3. Trịnh Thị Quang (2017),bài viết về “chính sách di dân lao động và phân bố dân cư miền núi Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu con người, (1).
4. Đỗ Văn Hòa (2016), công trình nghiên cứu về Di dân nông thôn miền núi: Những vấn đề chính sách và thực tế hiện nay, Đề tài
5. Phạm Xuân Đại (2019), “Xung quanh tình hình sản xuất và đời sống của một số cộng đồng di dân”, Tạp chí Nội vụ, (12).
6. Lưu Đình Nhân (2000), “Những nhân tố xã hội trong quá trình ổn định của một số cộng đồng di dân”, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công nghệ, (3).
7. Khổng Diễn và cộng sự (2021), “Di dân tự phát của các dân tộc thiểu số từ miền Bắc và Tây Nguyên”, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông ISSN: 1859-1485, (11).
8. Nguyễn Bá Thủy (2021), “Di cư tự do của một số dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vào Đắk Lắk từ năm 1975 đến nay”, Tạp chí Xã hội học, (3).
9. Phạm Nhật Tân (2001), “Tình hình di dân nông nghiệp đi xây dựng các vùng kinh tế mới từ năm 1975 đến nay”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, (6).
10. Dự án Khảo sát một bộ phận đồng bào Hmông di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên - Nguyên nhân, kiến nghị giải pháp của Ban Tôn giáo Chính phủ [11]
11. Đậu Tuấn Nam (2000), nghiên cứu “Di cư của người Hmông từ đổi mới đến nay”
12. Vũ Trường Giang (2012), Đặng Thị Hoa (2012), “Di cư xuyên biên giới của các tộc người thiểu số tác động đến ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng tây Bắc Việt Nam hiện nay; Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội, Kỷ yếu khoa học.
13. Đặng Thị Hoa (2012), Nghiên cứu về “Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội”, Kỷ yếu hội thảo.

Phạm Võ Quỳnh Hạnh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

TIN KHÁC