- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Phát huy vai trò của cộng đồng trong chăm sóc người cao tuổi
(TG) - Nhận thức được tầm quan trọng của giải quyết bài toán già hóa dân số đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2019 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu các giải pháp ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Thực tiễn phải đối diện với thách thức của dân số già từ các quốc gia phát triển trên thế giới là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Theo quan niệm quốc tế, dân số được gọi là già hóa khi người cao tuổi chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong toàn bộ dân số. Với mỗi quốc gia khi mức sinh giảm và tuổi thọ tăng thì dẫn đến già hóa dân số là mang tính quy luật. Theo số liệu thống kê năm 2011-2012 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa và ước tính vào năm 2049, nước ta sẽ có 26,10% là người cao tuổi, có nghĩa cứ 3 người Việt Nam thì sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên(1); đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già, có sự chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Điều đáng nói hơn là quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nói trên kéo dài hàng trăm năm. “Bước nhảy vọt” của tiến trình già hóa dân số sang dân số già ở Việt Nam chính là những rào cản thách thức tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nếu không có chiến lược, giải pháp phù hợp thích ứng sớm chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội tiêu cực do áp lực của dân số già gây nên.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỘNG ĐỒNG TRONG CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI: KINH NGHIỆM CỦA THẾ GIỚI
Singapore: Hệ thống dịch vụ y tế cộng đồng dành cho người cao tuổi (NCT) chủ yếu được cung cấp bởi Quỹ Chăm sóc tại nhà (dịch vụ chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và chăm sóc ban ngày) được thực hiện tại trung tâm chăm sóc sức khỏe dành cho NCT; bên cạnh đó, các chương trình phục hồi chức năng tại nhà được tiến hành bởi đội ngũ y tá chuyên nghiệp cũng được tổ chức. Chính quyền chú trọng việc phối hợp với khoa lão khoa tại các bệnh viện để có sự hỗ trợ về chuyên môn, gia tăng khả năng phản ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp trong quá trình chăm sóc NCT. Singapore cũng duy trì hoạt động của các nhóm hỗ trợ (câu lạc bộ phòng chống đột quỵ và chăm sóc tình nguyện), đến nay, nhiều dịch vụ chăm sóc thay thế được cung cấp chủ yếu từ một số nhà tình nguyện. Nhìn chung, mục tiêu chăm sóc người cao tuổi hiệu quả dựa vào cộng đồng nhằm hướng đến cung cấp đầy đủ các dịch vụ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội (2).
Trung Quốc: Dịch vụ chăm sóc NCT tại cộng đồng đã trở thành hoạt động thường xuyên với loại hình chăm sóc tổng hợp, có sự tích hợp và được người dân ủng hộ; tạo ra sự kết nối giữa các cơ sở dịch vụ y tế, từ đó, tích hợp phương pháp phục hồi chức năng và dịch vụ điều dưỡng tại cộng đồng thành một nền tảng quản lý chung, đáp ứng mong muốn của NCT. Nước này cũng chủ động tích hợp các nguồn lực y tế cũng như các nguồn lực tài trợ, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên tục và kết hợp một cách thuận tiện, chuyên nghiệp, như nhập viện, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc cuộc sống ổn định cho NCT. Đối với NCT mắc bệnh mãn tính, các dịch vụ như bác sĩ gia đình, chăm sóc tại nhà, chăm sóc ban ngày… có thể được cung cấp thông qua hoạt động chăm sóc tại cộng đồng(3).
Nhật Bản: Đây là quốc gia có dân số siêu già, nhóm dân số cao tuổi năm 2022 đạt khoảng 36,2 triệu người (chiếm 29% tổng dân số); dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên là 37,3 triệu người nhưng lại chiếm tới 31% tổng dân số (do mức sinh giảm, quy mô dân số cũng giảm). Do đó, hệ thống dịch vụ tích hợp dựa vào cộng đồng là giải pháp chăm sóc sức khỏe NCT hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tham gia của chính quyền địa phương, tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ, thể hiện nỗ lực phối hợp trong việc chăm sóc và hỗ trợ NCT, góp phần bảo đảm môi trường an toàn cho NCT giữ gìn cuộc sống có ý nghĩa.
Nhật Bản cũng tập trung nghiên cứu sự đa dạng của yếu tố môi trường sống tác động đến quá trình lão hóa, từ đó, thông qua nỗ lực của nhiều bên liên quan xây dựng chính sách, biện pháp dần thay đổi cuộc sống NCT theo hướng phù hợp với cộng đồng địa phương. NCT được khuyến khích thường xuyên giao lưu, tham gia các hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao, tình nguyện… để vận động và giúp tinh thần trẻ trung, sảng khoái, suy nghĩ tiêu cực. Ở Nhật Bản hiện nay nhiều NCT (từ 75 tuổi trở lên) vẫn hăng say lao động những công việc nhẹ nhàng, phù hợp. Điều đó giúp họ hoạt bát, dẻo dai, tích cực, luôn thấy bản thân có ích.
Thái Lan: Quốc gia này có tỷ lệ dân số già đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Singapore) với tốc độ già hóa dân số nhanh (dưới 1%/năm), trong khi tốc độ gia tăng nhóm dân số cao tuổi khoảng hơn 3%/năm; dự báo tỷ lệ người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên có nhu cầu chăm sóc dài hạn sẽ tăng gấp năm lần, từ 2,2% (năm 2015) lên 10,7% (năm 2050)(4). Năm 2005, Nhà nước Thái Lan ban hành chương trình chăm sóc y tế tại nhà, đến năm 2011 đã có tới 95,6% chính quyền địa phương thực hiện cung cấp dịch vụ này nhằm hỗ trợ đối tượng NCT xử lý các vấn đề sức khỏe mãn tính hoặc tàn tật (những người tuy đã kết thúc điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn cần chăm sóc tại nhà). Chương trình cung cấp các dịch vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại nhà được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, y tá, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý, cán bộ phát triển xã hội và cán bộ y tế cộng đồng… Bên cạnh đó, nhiều dự án, câu lạc bộ NCT được tổ chức, hướng tới thúc đẩy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa những NCT. Chính quyền cũng hỗ trợ tiếp cận kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho các đối tượng NCT, đồng thời, đưa ra những tư vấn liên quan đến quá trình chăm sóc NCT(5).
Châu Âu: Dân số khu vực này đang già đi nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp trong khi tuổi thọ ngày càng tăng. Do đó, nhiệm vụ cải thiện hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc được đặt ra nhằm hỗ trợ xử lý các căn bệnh tuổi già, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và duy trì sức khỏe NCT. Hội Chữ thập đỏ châu Âu là tổ chức tích cực thúc đẩy các cộng đồng thân thiện với NCT bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và thúc đẩy sự tham gia của mọi người trong nỗ lực tạo ra môi trường thân thiện với NCT, đồng thời giải quyết các vấn đề về sự cô đơn trong xã hội; chủ động thiết kế, thực hiện, phối hợp nhằm liên tục cải thiện dịch vụ và cung cấp các giải pháp giúp NCT. Bên cạnh đó, Hiệp hội Chữ thập đỏ các quốc gia trong khu vực thực hiện quá trình xúc tiến, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc để xây dựng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp; tập trung hỗ trợ tâm lý và sự hòa nhập xã hội của NCT thông qua tổ chức các hoạt động giải trí, đánh giá cao kinh nghiệm và kỹ năng của NCT, đồng thời khuyến khích NCT có nhiều hoạt động gắn bó hơn với gia đình và bạn bè,... Ở Đức, hàng xóm, bạn bè và tình nguyện viên có thể giúp những NCT cần hỗ trợ và chăm sóc điều dưỡng tại cộng đồng. Cùng với đó, NCT có thể giúp đỡ lẫn nhau. Phương pháp chăm sóc tại nhà và cộng đồng được khuyến khích vì nó ít tốn kém hơn cho nhà nước và hệ thống an sinh xã hội. Chính quyền thành phố có trách nhiệm lớn trong việc định hình các cơ cấu chăm sóc và hỗ trợ, tạo điều kiện và định hình sự tương tác giữa các nguồn lực gia đình, khu phố và cộng đồng xã hội với các dịch vụ chuyên nghiệp...
Người cao tuổi tham gia chương trình đồng diễn thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi, lan tỏa tinh thần “sống khỏe, sống thanh xuân” chào mừng ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10) và hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Hiện nay, nước ta có trên 12,5 triệu NCT, trong đó hàng triệu NCT vẫn đang tiếp tục trực tiếp tham gia lao động, sản xuất và có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. NCT luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân kính trọng, tôn vinh; tạo điều kiện phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động quốc gia về NCT.
Để giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số và bảo đảm lợi ích, an sinh xã hội cho NCT, có thể nói, biện pháp phát huy vai trò của cộng đồng trong chăm sóc NCT là một hướng đi phù hợp với văn hóa, truyền thống và điều kiện hiện nay của nước ta. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để thu hút, phát huy vai trò, năng lực của cộng đồng và xã hội đối với công tác chăm sóc NCT, cần nghiên cứu, triển khai thực hiện tốt một số nội dung cơ bản, trọng tâm sau:
Thứ nhất, chú trọng, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền thụ hưởng chăm sóc vật chất, tinh thần và nâng cao tuổi thọ đối với NCT. Trước mắt cần chú trọng thực hiện đạt và vượt mục tiêu “Đến năm 2030 bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; được quản lý khám sức khỏe, khám chữa bệnh và chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung” được Đại hội XIII của Đảng đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho NCT tại các cơ sở xã, phường, thị trấn, bao gồm các dịch vụ chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và chăm sóc ban ngày dưới sự hỗ trợ, thực hiện cua đội ngũ nhân viên y tế đã qua đào tạo, có kết nối với các cơ sở y tế, bảo đảm xử lý kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các tổ chức, nhóm hỗ trợ và nhóm chăm sóc tình nguyện gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc NCT; phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội Người cao tuổi... trong các phong trào tôn vinh, chăm sóc NCT như “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, “Tuổi cao gương sáng”...
Thứ ba, phát triển các dịch vụ chăm sóc NCT gắn với tích hợp các nguồn lực y tế, nguồn tài trợ, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên tục, đồng bộ, thuận tiện, chuyên nghiệp như nhập viện, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc cuộc sống ổn định cho NCT mắc bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của các bên liên quan từ chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp nhằm phối hợp hiệu quả trong quá trình chăm sóc và hỗ trợ NCT, góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi để cuộc sống NCT có được sự an toàn và ý nghĩa; mặt khác, không ngừng xây dựng môi trường sống lành mạnh, thân thiện với NCT.
Thứ tư, tập trung nguồn lực phù hợp để phát triển vốn xã hội về thể chế, con người (gia đình, cộng đồng, tôn giáo), văn hóa và trí tuệ; không ngừng nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, đóng góp của NCT trong cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng, áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt trong quản lý hệ thống chăm sóc NCT thông qua việc lập kế hoạch và ngân sách rõ ràng, minh bạch; quản lý nguồn nhân lực cả về khía cạnh y tế và xã hội, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ chăm sóc chính thức và không chính thức tại cộng đồng nhằm bảo đảm nguồn nhân lực; phát triển mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT dài hạn dựa vào cộng đồng, tập trung vào chất lượng, kết nối và tích hợp mọi lĩnh vực nhằm cung cấp chất lượng chăm sóc các nhóm NCT.
Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Internet)
Thứ năm, xác định các tiêu chuẩn chất lượng cho những dịch vụ chăm sóc, cũng như có chính sách công nhận, khuyến khích, hỗ trợ lực lượng lao động và người chăm sóc không chính thức; đồng thời, hướng dẫn các kỹ năng số có thể, khuyến khích NCT trao đổi nhiều hơn với gia đình và bạn bè. Mặt khác, chính quyền cơ sở cần có trách nhiệm định hình các cơ cấu chăm sóc và hỗ trợ NCT phù hợp với điều kiện địa phương. Chú trọng xây dựng “cộng đồng dựa trên sự đoàn kết” và phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn, góp phần giúp NCT được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội. Quá đó củng cố niềm tin của thế hệ “cây cảo bóng cả” vào Đảng, Nhà nước và chế độ; không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
PGS. TS. ĐẶNG THỊ ÁNH TUYẾT
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
------------
(1) Theo báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) năm 2011.
(2) Lee K. S., Owen R.E., Choo P.W., Jayaratnam F.J.: The role of community health care team in the care of the elderly (Tạm dịch: Vai trò của đội ngũ chăm sóc ức khỏe cộng đồng đối với hoạt động chăm sóc NCT), Singapore Medical Journal, tháng 8/1991.
(3) Smith SM, Soubhi H, Fortin M, Hudon C, O'Dowd T: Managing patients with multimorbidity: Systematic review of interventions in primary care and community settings. BMJ. (2012) 345:e5205. doi: 10.1136/bmj.e5205.
(4) Xem: Nguyễn Thị Hoài Thu: Chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại Thái Lan, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 8/7/2022.
(5) Prachuabmoh, V.: A lesson learned from community-based integrated long-term care in Thailand (Tạm dịch: Kinh nghiệm từ chăm sóc dài hạn tích hợp dựa trên cộng đồng ở Thái Lan), Asia Pacific Journal of Social Work Development, United Kingdom, 2015, tr.213-224.
Nguồn: https://www.tuyengiao.vn/