- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Thúc đẩy quyền và tự do lựa chọn về sinh sản
Tại báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2025, TS. Natalia Kanem - Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết, qua báo cáo này chúng tôi muốn nêu bật một thực trạng là nhiều người không thể tạo dựng gia đình như mong muốn. Chúng tôi đã khảo sát người dân ở 14 quốc gia, chiếm hơn một phần ba dân số thế giới, về những mong muốn thực sự của họ đối với đời sống sinh sản và tương lai của mình, cũng như niềm tin của họ về khả năng thực hiện những tham vọng đó. Chúng tôi nhận thấy rằng rất ít người có thể tự mình đưa ra những quyết định mang tính riêng tư và ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời mình.
Ảnh minh họa (Nguồn: Stina Persson)
Chủ đề dân số đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với đó là sự gia tăng các quan ngại. Những vấn đề được chú ý nhiều nhất bao gồm tỷ suất sinh giảm, già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động, trong khi vẫn còn nhiều người cho rằng mối nguy lớn nhất đối với hành tinh là tình trạng dân số quá tải.
Bất chấp những quan ngại được nêu ra, có một yếu tố quan trọng gần như bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận công khai: đó là mong muốn thực sự của mỗi người về sinh sản, gia đình và tương lai.
Người ta thường quan niệm hoặc ngầm hiểu rằng tỷ suất sinh phản ánh quyền lựa chọn của mọi người. Đáng tiếc rằng đó không hoàn toàn đúng sự thật. Các báo cáo Tình trạng dân số thế giới gần đây đã đưa ra một số phát hiện đáng lo ngại: gần một nửa số ca mang thai là ngoài ý muốn; những lời hiệu triệu công khai xung quang vấn đề quy mô dân số và tỷ suất sinh đang gây hoang mang, và có thể đã nhen nhóm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, làm suy yếu quyền tự quyết về sinh sản; và mặc dù có những tiến bộ đáng kể về sức khỏe và quyền về sinh sản và tình dục, những người thiệt thòi nhất lại ít được tiếp cận những thành quả này. Dữ liệu do UNFPA công bố trong năm năm qua cũng cho thấy cứ mười phụ nữ thì có một người không thể quyết định có nên sử dụng biện pháp tránh thai hay không. Khoảng một phần tư số phụ nữ không được tự quyết định việc chăm sóc sức khỏe của bản thân mình. Gần một phần tư số phụ nữ không thể từ chối tình dục. Do đó, hàng triệu người vẫn không thể thực hiện được quyền về sinh sản và quyền tự do lựa chọn của mình. Việc cá nhân không thể đạt được những mục tiêu sinh con như mong muốn mới là cuộc khủng hoảng thực sự về sinh sản chứ không phải tình trạng quá tải dân số hay thiếu dân số– và thực trạng này đang diễn ra ở khắp mọi nơi.
Phát hiện từ nghiên cứu trong báo cáo này cho thấy các rào cản gây khó khăn cho việc tránh mang thai ngoài ý muốn và lập gia đình thường giống nhau, bao gồm: kinh tế bấp bênh, phân biệt đối xử trên cơ sở, thiếu sự hỗ trợ từ bạn đời và cộng đồng, chất lượng chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản thấp, hạn chế trong việc tiếp cận dịch vụ như chăm sóc trẻ em hay giáo dục với chi phí hợp lý, cùng thái độ bi quan về tương lai. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng khi đặt ra những câu hỏi phù hợp, chúng ta có thể nhận diện rõ cả vấn đề và giải pháp. Câu trả lời nằm ở quyền tự quyết về sinh sản – tức là việc mỗi người có thể tự đưa ra những lựa chọn cho mình, trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ về tình dục, biện pháp tránh thai, và tạo lập gia đình nếu muốn, vào thời điểm nào và với ai.
Quyền tự quyết về sinh sản không chỉ đơn thuần là tự do, không bị ép buộc hay khả năng tiếp cận các dịch vụ tốt hơn, mà còn bao gồm các điều kiện toàn diện giúp con người có thể thực sự thực hiện quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn – từ bình đẳng giới, ổn định kinh tế, sức khỏe thể chất và tinh thần,cho đến niềm tin vào tương lai.
Những điều kiện này vẫn nằm ngoài tầm với của rất nhiều người. Trước tình hình đó, tất cả chúng ta, đặc biệt các nhà hoạch định chính sách, cần phải đặt câu hỏi xem mọi người muốn gì và cần gì. Đây phải là câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất khi xem xét các vấn đề dân số. Các chính sách cần trực tiếp giải quyết những mối quan ngại này, thông qua việc đảm bảo đầy đủ quyền và sức khỏe sinh sản cho mọi người; hỗ trợ lâu dài, liên tục cho cha mẹ và gia đình; chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành phân biệt đối xử trên cơ sở giới làm kìm hãm mong muốn sinh sản của con người.
Hãy cùng nhau xây dựng môi trường mà ở đó những ai thực sự mong muốn trải nghiệm niềm vui và giá trị của việc làm cha mẹ có thể thực hiện được mục tiêu sinh con của mình — nơi mà họ hi vọng có một tương lai tươi sáng hơn, được hỗ trợ thực hiện quyền lựa chọn cũng như bảo vệ quyền của mình, nơi mà con cháu họ có thể phát triển thịnh vượng. Chúng tôi hy vọng báo cáo này sẽ khơi dậy những cuộc thảo luận và hành động thiết thực nhằm thúc đẩy quyền và tự do lựa chọn về sinh sản .

