- Tin tức - Sự kiện
- Nghiên cứu-Trao đổi
Thực trạng đăng ký khai tử từ đăng ký Thống kê hộ tịch 2021-2024
1. Đăng ký khai tử đầy đủ và đăng ký khai tử đúng hạn
Đăng ký khai tử là thủ tục pháp lý quan trọng nhằm xác nhận một người đã qua đời và chấm dứt các quyền, nghĩa vụ pháp lý của họ, ngăn chặn tình trạng gian lận danh tính, đồng thời là cơ sở để gia đình người chết thực hiện các thủ tục về thừa kế và phân chia tài sản. Công việc này không chỉ có ý nghĩa hành chính mà còn góp phần bảo đảm trật tự, công bằng trong xã hội. Đây cũng là giải pháp để đảm bảo công tác quản lý hộ tịch được hiệu quả góp phần quan trọng cho việc hoạch định chính sách dân số, y tế và an sinh xã hội.
Tương tự như đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử cũng được quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014 (Luật Hộ tịch); Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP); Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Thông tư số 04/2020/TT-BTP). Theo đó, quyền, trách nhiệm đăng ký khai tử; nội dung, thủ tục đăng ký khai tử; trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong công tác đăng ký khai tử được quy định rõ. Cụ thể, Điều 33, Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm đăng ký khai tử, như sau: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Hình 1: Tỷ lệ đăng ký khai tử và tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn giai đoạn 2021 - 20245
Đơn vị tính: %
Các số liệu trên Hình 1 cho thấy, tỷ lệ đăng ký khai tử đạt khá cao và ghi nhận sự cải thiện qua các năm gần đây. Năm 2021, tỷ lệ đăng ký khai tử là 87,1%; năm 2022 là 87,8%; năm 2023 là 94,0% và năm 2024 đạt 96,2%. Sau 4 năm, tỷ lệ đăng ký khai tử tăng 9,1 điểm phần trăm.
Tương tự thì tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cũng khá cao và tiếp tục tăng qua các năm. Năm 2021, tỷ lệ khai tử đúng hạn đạt 76,9%; năm 2024, tỷ lệ này đạt 82,0%, cải thiện 5,1 điểm phần trăm sau 4 năm. Điều này cho thấy việc triển khai áp dụng các quy định về đăng ký khai tử và việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (khai tử “3 trong 1”) cũng như việc tăng cường giám sát thực hiện đúng hạn các quy định đăng ký khai tử đã phát huy được tác dụng. Những cải tiến này không chỉ tạo thuận lợi cho gia đình người mất trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, cũng như công tác hoạch định và phát triển dân số.
2. Đăng ký khai tử quá hạn
Đăng ký khai tử quá hạn hay còn gọi là đăng ký khai tử muộn là việc thực hiện khai tử cho người quá cố sau 15 ngày kể từ khi chết. Việc khai tử không đúng hạn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình người mất, tạo kẽ hở cho các hành vi gian lận như trục lợi bảo hiểm, lạm dụng danh tính hoặc chiếm đoạt tài sản đồng thời làm sai lệch, ảnh hưởng đến chất lượng số liệu, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý hộ tịch nói riêng. Chính vì vậy, thực hiện đăng ký khai tử đúng hạn không chỉ giúp quản lý xã hội hiệu quả mà còn góp phần duy trì trật tự, công bằng và ổn định trong đời sống dân cư.
Biểu 2: Cơ cấu đăng ký khai tử theo tình trạng đăng ký giai đoạn 2021 - 2024Theo số liệu trên Biểu 2, trong giai đoạn 2021 - 2024, số trường hợp đăng ký khai tử muộn trong cả nước chiếm khoảng một phần ba tổng số trường hợp khai tử trong năm, trong đó quá hạn dưới 1 năm chiếm 16,0% và quá hạn từ 1 năm trở lên chiếm 16,6%. Sau 4 năm, từ năm 2021 đến nay, tình trạng khai tử quá hạn có được cải thiện nhưng vẫn còn chưa rõ nét. Năm 2021, cả nước có khoảng 212,8 nghìn trường hợp đăng ký khai tử quá hạn, chiếm 33,6%; con số này của năm 2024 là 198,7 nghìn trường hợp, chiếm 30,7%.
Hình 2 biểu thị tỷ lệ đăng ký khai tử quá hạn và quá hạn từ 1 năm trở lên của 10 tỉnh cao nhất cả nước. Những tỉnh này đều có tỷ lệ đăng ký khai tử quá hạn trên 50% và cao nhất là ở Thừa Thiên Huế, 64,4%. Không những thế, tình trạng đăng ký khai tử quá hạn trên 1 năm ở Thừa Thiên Huế cũng đáng quan ngại, trung bình cứ 2 trường hợp đăng ký khai tử ở Thừa Thiên Huế thì có 1 trường hợp là đã chết từ cách đó ít nhất 1 năm.
Hình 3: 10 tỉnh có tỷ lệ đăng ký quá hạn cao nhất cả nước giai đoạn 2021 - 2024
Đơn vị tính: %
Quan sát tình trạng khai tử quá hạn theo dân tộc có thể thấy, những dân tộc thiểu số đang cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thường có tỷ lệ đăng ký khai tử quá hạn cao; có dân tộc, tỷ lệ này lên đến gần 80% (Lô Lô: 79,9%; Chứt: 74,3%; Ba Na: 70,6%). Một số dân tộc khác, tỷ lệ này thấp hơn nhưng cũng cao gấp 2 lần mức trung bình của cả nước như: Mảng (69,1%), Gia Rai (69,0%), RaGlay (67,1%), Bru Vân Kiều (66,6%), Co (66,6%), Mông (65,6%), La Hủ (65,5%), Rơ Măm (65,4%), Hà Nhì (65,3%), Cơ Lao (64,5%) và Xơ Đăng (64,4%).
Hình 4: Tỷ lệ đăng ký khai tử quá hạn của một số dân tộc giai đoạn 2021 - 2024
Đơn vị tính: %
Tỷ lệ đăng ký khai tử quá hạn thường thấy ở nhóm người trẻ tuổi, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhiều hơn là người già. Ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (từ 0-4 tuổi), cứ 10 em không may thiệt mạng thì chỉ có khoảng 4 em được khai tử đúng hạn. Trong số 6 em được khai tử quá hạn còn lại, có khoảng 3 em bị trì hoãn khai tử (chậm khai tử từ 1 năm trở lên). Ngược lại, tình trạng này ở nhóm người cao tuổi thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt ở nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên, tỷ lệ đăng ký khai tử muộn chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ca khai tử; trong đó số ca trì hoãn khai tử (muộn từ 1 năm trở lên) chiếm khoảng 7%.
Hình 5: Tỷ lệ đăng ký khai tử quá hạn theo nhóm tuổi giai đoạn 2021 - 2024
Đơn vị tính: %
Từ thực trạng đăng ký khai tử trên cho thấy tình trạng đăng ký khai tử quá hạn vẫn còn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở nhóm dân số yếu thế và nhóm dân cư sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả cá nhân và cộng đồng xã hội, làm gián đoạn việc thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và gây khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ công cơ bản. Đồng thời, tình trạng này làm sai lệch số liệu thống kê về dân số và mức chết, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, lập kế hoạch và triển khai chính sách xã hội. Các thông tin về đăng ký khai tử, đặc biệt là đăng ký khai tử ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi chưa được thực hiện tốt, còn có hiện tượng trì hoãn đăng ký khai tử đối với trẻ em. Điều này làm cho các ước lượng thống kê về mức chết trẻ em như: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi không thực hiện được.

