Vấn đề di cư lao động của người Khmer hiện nay

Phạm Võ Quỳnh Hạnh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Di cư lao động là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt, trong bối cảnh đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lao động như là một loại hàng hóa đặc biệt và cần được luân chuyển tự do để đáp ứng các nhu cầu về phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Theo quy luật, người lao động thường di chuyển từ những nơi dư thừa lao động đến những nơi thiếu lao động. Đối với người dân ở các khu vực chưa phát triển nhiều như các khu vực ở vùng sâu, vùng xa, di cư được coi như là một chiến lược sinh kế để đối phó với nghèo nàn, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình (Đặng Nguyên Anh, 2005)[1]. Đặc thù di cư lao động ở Việt Nam nói chung và của người dân Khmer ở các tỉnh tây Nam Bộ nói riêng hiện nay khá đa dạng.

1. Thực trạng và nguyên nhân di cư của người Khmer

Tây Nam bộ là vùng tập trung sinh sống chủ yếu của người Khmer. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2018, dân số người Khmer có trên 1,3 triệu người, trong đó Tây Nam bộ tập trung trên 1,2 triệu người, chiếm gần 1,47% dân số cả nước và là 1 trong 6 dân tộc có số dân lớn, trên 1 triệu người ở Việt Nam. Ở Tây Nam bộ, người Khmer sinh sống ở các tỉnh Sóc Trăng (397.014 người), Trà Vinh (315.203 người), Kiên Giang (210.899 người), An Giang (90.271 người), Bạc Liêu (70.667 người), Cà Mau (29.845 người), Cần Thơ (21.414 người), Hậu Giang (21.169 người), Vĩnh Long (21.820 người). Trong đó, Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh có số dân Khmer đông nhất với 714.217 người, chiếm đến gần 57% tổng số người Khmer của cả nước. Đây cũng là 2 tỉnh có tỷ lệ người Khmer chiếm trên 30% dân số địa phương. Hiện nay, một xu hướng đang diễn ra đối với người Khmer ở Tây Nam bộ là tình trạng di cư lên các tỉnh Đông Nam bộ để tìm kiếm phương cách sinh kế mới.

            Di cư được hiểu là tình trạng di chuyển của người dân từ một địa phương này đến một địa phương khác nhằm thiết lập một nơi cư trú mới trong một khoảng thời gian nhất định. Dòng di cư chủ yếu của người Khmer ở các tỉnh Tây Nam bộ là đến các tỉnh Đông Nam bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước để lao động kiếm sống. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 120.000 người Khmer ở các tỉnh Tây Nam bộ di chuyển lên các tỉnh Đông Nam bộ để làm việc[2]. Có hai hình thức di cư chủ yếu của người Khmer đó là di cư theo mùa vụ và di cư tạm thời. Di cư theo mùa vụ là hình thức di chuyển của dân cư đi tìm việc làm ở nơi khác trong thời gian nông nhàn, nhàn rỗi hoặc chuyển đi làm ăn theo mùa của một số nghề và vẫn quay trở về nơi cũ làm việc trong những lúc có nhu cầu lao động. Di cư tạm thời là hình thức di chuyển của dân cư đến sống tạm thời ở một nơi nào đó trong khoảng thời gian chưa xác định rõ [3].

            Đối với hình thức di cư theo mùa vụ, tùy theo tính chất công việc, thời gian di cư của người Khmer là vào các tháng nông nhàn hay những nơi khác vào mùa vụ. Vì mang tính chất tạm thời nên công việc họ tìm kiếm nằm ở khu vực lao động phi chính thức như: thợ hồ, khuân vác, thu hái cà phê, mía.

            Đối với hình thức di cư tạm thời, người Khmer làm việc ở cả khu vực lao động phi chính thức và chính thức như làm giúp việc nhà, phụ buôn bán, thợ hồ, khuân vác, bán vé số, nghề sản xuất thủ công, làm việc trong các trang trại nông nghiệp, trong xưởng may gia công, công nhân cạo mủ cao su hoặc làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

            Trong hai hình thức di cư mùa vụ và tạm thời thì hình thức di cư tạm thời là hình thức di cư chính của người Khmer. Tuy đa dạng về công việc nhưng lao động của người Khmer vẫn chủ yếu là lao động phổ thông. Hiện nay, lựa chọn làm công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là công việc được người Khmer có xu hướng lựa chọn nhiều nhất trong đa dạng sinh kế của người Khmer khi di cư đến các tỉnh Đông Nam bộ.

            Để quyết định di cư lao động, người Khmer dựa vào mạng lưới phi chính thức, bao gồm những người môi giới việc làm và bạn bè, người thân. Tuy nhiên, kênh thông tin chủ yếu là từ bạn bè, người thân đã có công việc ổn định trước đó giới thiệu.

            Xu hướng di cư của người Khmer lên các tỉnh Đông Nam bộ nguyên nhân chính và quan trọng nhất là do khó khăn về kinh tế, xuất phát từ hiện trạng sinh kế không bền vững của người Khmer ở các tỉnh Tây Nam bộ đã buộc họ phải di cư để tìm kiếm phương cách sinh kế mới bảo đảm cho cuộc sống của mình và gia đình. Khó khăn về kinh tế của người Khmer có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

            Thứ nhất, Người Khmer chiếm khoảng 7% dân số toàn vùng Tây Nam bộ nhưng có đến 90% của con số này sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chỉ một bộ phận nhỏ sống ở thành thị. Trong khoảng 500 xã/phường có đông đồng bào Khmer sinh sống thì có đến 321 xã khó khăn và 163 xã đặc biệt khó khăn, vốn là những địa bàn có điểm xuất phát thấp, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội còn nhiều mặt yếu kém[4]. Đa phần người Khmer sống trên những địa bàn có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phần lớn đất đai có nguồn gốc bị nhiễm mặn, phèn, thiếu nước ngọt trong mùa khô… Đây là nguyên nhân khách quan khiến cho đồng bào Khmer nghèo.

            Thứ hai, Thiếu đất và không có đất sản xuất là nguyên nhân quan trọng khiến người Khmer khó khăn về kinh tế. Nghề nghiệp chính ở người Khmer ở Tây Nam bộ là làm nông nghiệp nhưng họ lại không có tư liệu sản xuất cho nghề nghiệp của mình là đất đai. Tình trạng không có đất do thế hệ trước đó đã không có đất hoặc vì cuộc sống khó khăn phải bán đất hoặc cầm cố đất không có khả năng chuộc lại. Những gia đình còn đất nhưng diện tích đất không đủ cho sản xuất. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các tỉnh Tây Nam bộ làm gia tăng tình trạng không đất hoặc thiếu đất sản xuất của người Khmer. Hiện nay, tình trạng không đất hoặc thiếu đất sản xuất của người Khmer vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao. Theo đó, hiện vẫn còn 54.234 hộ thiếu đất sản xuất, trong đó có 10.534 hộ cần hỗ trợ về đất sản xuất, 43.700 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề. Trong khi đó, quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh hầu như không còn, nên việc hỗ trợ đất sản xuất gặp nhiều khó khăn, giá đất sản xuất cao hơn so với mức được nhà nước hỗ trợ.

            Thứ ba, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là cũng là nguyên nhân khiến người Khmer phải di cư vì mục đích sinh tồn. Di cư của người Khmer lên các tỉnh Đông Nam bộ sinh sống không chỉ những người không có đất, ít đất mà còn do gặp bất ổn trong sản xuất nông nghiệp. Nghề nghiệp chính là nông nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc vào thời thiết và giá cả thị trường nên rất bấp bênh. Có những hộ sản xuất lúa, hoa màu chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp quá cao nên khi thu hoạch trừ hết chi phí thì sản xuất không đủ tiêu dùng. Có những hộ theo chủ trương chuyển đổi từ lúa sang nuôi tôm nhưng cũng do thua lỗ liên tục dẫn đến nợ nần nên không có khả năng phục hồi buộc phải đi kiếm sống ở nơi khác.

            Thứ tư, không đủ việc làm tại địa phương nên người Khmer di cư lên các tỉnh Đông Nam bộ để tìm và làm việc. Những người không có đất nông nghiệp để sản xuất hoặc do làm ăn thua lỗ buộc phải đi làm thuê để kiếm sống. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp với những máy gặt lúa hiện đại xuất hiện trên những cánh đồng đã vô tình đẩy những người lao động chân tay vào mùa vụ không tìm được việc làm, không có thu nhập nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Trong dòng người di cư lên các tỉnh Đông Nam bộ để làm việc, có người chưa đến tuổi lao động. Đó là những em sinh ra trong những gia đình đông con, gia đình khó khăn về kinh tế nên không có khả năng để cho các em tiếp tục đi học buộc phải lao động kiếm sống. Thiếu việc làm tại địa phương nên buộc các em phải di chuyển lên các tỉnh Đông Nam bộ để tìm việc lao động phổ thông.

            Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm xóa đói giảm nghèo cho người Khmer, đặc biệt là từ năm 1991 Ban bí thư ra Chỉ thị số 68 – CT/TW về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Những chính sách giảm nghèo đã và đang triển khai thực hiện trong vùng đồng bào Khmer có thể được chia thành 3 nhóm chính sách lớn: (1)Nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất và sinh kế cho đồng bào Khmer, bao gồm các chính sách tín dụng, ưu đãi cho vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào Khmer, hỗ trợ đất sản xuất, công cụ sản xuất, giống cây, con, hỗ trợ dạy nghề miễn phí, cung cấp dịch vụ khuyến nông – lâm – ngư miễn phí; (2) Nhóm chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer tiếp cận với các dịch vụ xã hội như hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở, nước sạch và các dịch vụ pháp lý; (3) Nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng có đông đồng bào Khmer được thể hiện tập trung trong chương trình 135 giai đoạn II. Nhờ thực hiện các chính sách giảm nghèo trên mà đời sống của đồng bào Khmer không ngừng nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào Khmer không ngừng giảm, tỷ lệ giảm hàng năm khoảng 2 – 3%. Tính đến năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào người Khmer còn khoảng 25%[5]. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào Khmer vẫn cao hơn so với mức chung của toàn vùng và tỷ lệ tái nghèo còn cao. Một trong những nguyên nhân xét từ khía cạnh chính sách dẫn đến tình trạng trên là do nhiều chương trình, dự án có nội dung còn chồng chéo nên dẫn tới định mức hỗ trợ trong mỗi dự án thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân; nhiều chính sách cũng chưa phát huy được nỗ lực thoát nghèo của người Khmer.

            Như vậy, sự không bền vững trong sinh kế của người Khmer ở các tỉnh Tây Nam bộ là lực đẩy để người Khmer di cư lên các tỉnh Đông Nam bộ để sinh sống. Bên cạnh đó, đa dạng việc làm theo nhiều trình độ và sự “hấp dẫn” thu nhập ở các tỉnh Đông Nam bộ là lực hút người Khmer di cư lao động.

2. Tác động của di cư lao động đối với người Khmer

            Tác động tích cực

            Khi di chuyển lên các tỉnh/thành Đông Nam bộ để làm việc, dù công việc chủ yếu của những người Khmer là lao động phổ thông nhưng với tính cần cù, chăm chỉ lao động của người Khmer đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bản thân, gia đình và có những đóng góp cho cộng đồng nơi họ ra đi. Hiện nay, người Khmer di cư lao động có mức thu nhập trung bình từ 4,5 – 5 triệu/tháng, thu nhập thấp nhất là khoảng 1 triệu/tháng và cao nhất là 8 triệu/tháng. Đối với người Khmer, vì di cư có tính chất tạm thời, là việc làm “bất đắc dĩ” nên họ vẫn luôn cố kết với nơi họ ra đi rất bền chặt. Hành động thể hiện cho tình cảm “hồi hương” đó là họ luôn có ý thức tích góp tiền bạc; về thăm gia đình khi có việc, gửi tiền về nhà cho người thân; về để tham gia những ngày lễ truyền thống của dân tộc và đóng góp tiền bạc cho các ngôi chùa Khmer – nơi thể hiện tập trung nhất, tinh túy nhất truyền thống, bản sắc văn hóa của người Khmer. Đó là việc làm ý nghĩa họ dành cho quê hương mình. Người di cư lao động Khmer đóng góp nhiều cho gia đình, cộng đồng ở quê nhà và ý thức tiết kiệm để chuẩn bị cho một cuộc sống sau khi trở về quê.

            Di cư lao động cũng góp phần gia tăng mạng lưới xã hội cho người Khmer. Đến nơi mới để làm việc, vì là người dân tộc thiểu số, có văn hóa khác biệt với người Kinh nên người Khmer có xu hướng sống tập trung, co cụm với nhau để thuận tiện cho việc sinh hoạt. Việc sống tập trung như vậy không chỉ giúp cho người Khmer giữ gìn được văn hóa dân tộc nơi đô thị mà còn tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Hiện nay, nhiều khu nhà trọ tập trung ở các quận, huyện của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã hình thành nên xóm công nhân Khmer. Họ sống tập trung với nhau, nói tiếng Khmer, nghe nhạc Khmer, ăn các món ăn đặc trưng của người Khmer và tổ chức lễ hội dân tộc mình khi không thể về quê tham dự. Xa quê hương nhưng người Khmer luôn có ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc, sống hội tụ để chia sẻ với nhau, sống tình cảm chan hòa với nhau. Họ luôn có ý thức hỗ trợ nhau như giới thiệu việc làm, tìm phòng trọ, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, bệnh tật. Việc sống gắn kết thành cộng đồng nơi ở mới với sự tương trợ đùm bọc nhau khiến cho họ cảm thấy tự tin hơn, an tâm hơn để lao động tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

            Ngoài việc tăng thu nhập, gia tăng mạng lưới xã hội thì di cư lao động cũng giúp cho người Khmer di cư nâng cao kiến thức xã hội và vốn sống cho bản thân. Bước chân ra khỏi cuộc sống nông thôn – nông dân với trình độ học vấn thấp, không được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phục vụ cho việc sinh sống và làm việc ở nơi đô thị năng động nên người di cư Khmer gặp khó khăn trong việc hòa nhập vào môi trường mới. Tuy nhiên, khi di cư lao động, người Khmer được các tổ chức, đoàn thể ở nơi đến trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ sinh kế lao động và nâng cao chất lượng sống, nhất là những công nhân Khmer làm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, như các chương trình tư vấn Pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình…Những kiến thức được trang bị cùng với những vốn sống người lao động di cư Khmer tự tích lũy được giúp họ yên tâm lao động, sinh sống, bảo vệ được quyền lợi của mình.

            Tác động tiêu cực

            Trong quá trình di cư lao động, nhiều người Khmer mang con cái theo. Đến môi trường mới, do làm việc trong phân khúc thị trường lao động phi chính thức, lao động chân tay nên họ không có điều kiện hoặc thiếu thông tin hoặc không quan tâm đến giáo dục cho con cái nên dẫn đến tình trạng trẻ em trong độ tuổi đi học chậm hoặc không được đến trường. Những người gửi con cái lại cho người thân ở quê chăm sóc trong khoảng thời gian dài lại dẫn đến tình trạng “chia cắt” giữa cha mẹ và con cái dẫn đến việc “đứt gãy” tình cảm. Con cái thiếu thốn tình cảm và sự dạy dỗ của cha mẹ nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ.

            Trong dòng người Khmer di cư lên các tỉnh Đông Nam bộ để tìm kiếm sinh kế mới có cả những người chưa đến tuổi lao động. Vì kinh tế khó khăn nên người Khmer thường cho con cái nghỉ học sớm để làm việc phụ giúp gia đình. Độ tuổi thường nghỉ học là hết cấp hai. Di cư lao động của những người chưa đến tuổi lao động và sức “hấp dẫn” về thu nhập của những người di cư lao động khi gửi tiền về cho gia đình dẫn đến việc xuất hiện tình trạng nghỉ học nhiều hơn của trẻ em người Khmer, “củng cố” cho quan niệm “học lên cao không biết có làm gì được không” đã tồn tại lâu trong một bộ phận người Khmer. Việc không được tiếp tục học lên cao ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động người Khmer trong tương lai.

            Việc di cư lao động khi chưa đến tuổi lao động, di cư lao động dễ tìm việc làm và mang lại nguồn thu nhập khá cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình nên dẫn đến quan niệm sinh càng nhiều con càng tốt đang xảy ra ở một số nơi trong vùng đồng bào dân tộc Khmer vì đầu tư vào số lượng con cái chính là nguồn “bảo hiểm” của cha mẹ khi về già.

            Do con người hạn chế về mặt trí lực, lao động di cư Khmer chỉ là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề nên công việc lao động chỉ là lao động chân tay. Ngoại trừ một bộ phận người Khmer làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được hưởng những chế độ theo quy định của luật lao động để làm “bộ đệm” khi có rủi ro trong sinh kế thì những người lao động Khmer di cư khác làm trong khu vực lao động phi chính thức, không có được tiếp cận với các “nguồn lực” để phòng ngừa rủi ro. Mặc dù sinh kế của lao động di cư người Khmer đa dạng nhưng phân khúc nhiều trong khu vực lao động phi chính thức. Đây là khu vực lao động ngoài đồng lương được trả ra thì họ không được hưởng một chế độ gì khi có bất trắc xảy ra: không có hợp đồng lao động, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội. Lao động theo kiểu “ăn xổi ở thì”, mang tính ngắn hạn và không bền vững. Người sử dụng lao động có thể cho họ nghỉ việc bất cứ lúc nào nếu không đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động mà không được hưởng một quyền lợi gì.  

            Trong quá trình sinh sống xa cộng đồng gốc, ở một chừng mực nhất định nào đó đã xảy ra “đứt gãy” về mặt văn hóa. Người Khmer theo Phật giáo Nam tông, ngôi chùa là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ và tôn giáo này đã định hình tính dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc cho người Khmer. Tuy nhiên, khi di cư lao động, do thời gian làm việc dài, nơi ở lại không có chùa hoặc chùa ở quá xa nên người Khmer di cư ít có cơ hội đến chùa. Hay nói khác đi, di cư lao động đã khiến cho người Khmer di cư sống tách rời với ngôi chùa. Bên cạnh đó, cuộc sống di cư lao động gặp rất nhiều khó khăn nên đã xảy ra tình trạng có một bộ phận người Khmer đã cải đạo sang Tin Lành. Đây được xem như là một hình thức ra nhập một cộng đồng tôn giáo mới để tìm kiếm sự trợ giúp từ một mạng lưới xã hội khác, đảm bảo an toàn hiện sinh cho cuộc sống mưu sinh. Việc cải đạo trong quá trình di cư lao động của người Khmer dẫn đến sự chia tách tộc người bởi sự khác biệt về mặt tôn giáo.

             Như vậy, di cư lao động của người Khmer góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm, tăng thu nhập, cải thiện tình trạng đói nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo/cận nghèo tại các địa phương có người Khmer di cư. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của quá trình này đang đặt ra những thách thức cho sự phát triển bền vững trong cộng đồng người Khmer.

            Kết luận

Dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các tỉnh Đông Nam bộ đã tạo ra “lực kép” dẫn đến việc di dân lao động của người Khmer. Trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn. Những dòng di dân của người Khmer từ các tỉnh miền Tây Nam bộ lên các tỉnh miền Đông Nam bộ để nhằm giải quyết những khó khăn cho cuộc sống ở quê nhà. Vì di cư lao động là mang tính chất tình thế, không trình độ, không tay nghề nên di cư lao động của người Khmer là di cư tạm thời và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Trong thời gian tới, việc thực thi chính sách dân tộc nói chung, chính sách phát triển nông nghiệp và giáo dục – đào tạo nói riêng một cách có hiệu quả để nâng cao nguồn nhân lực cho cộng đồng người Khmer là điều cần thiết và quan trọng, để dù lựa chọn sinh kế đa dạng theo hình thức nào và ở đâu thì cũng đảm bảo cho sự phát triển bền vững cộng đồng người Khmer.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Hoàng Lộc (2015), “Phát triển bền vững xã hội tộc người Khmer Nam bộ từ thực tiễn đến giải pháp”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 18.

2. Võ Văn Sen (chủ biên) (2010), Một số vấn đề cấp bách trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của người Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, NXB. ĐHQG Tp. HCM.

3. Vũ Trường Giang (chủ biên) (2016), Di cư xuyên biên giới của các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam, NXB. Lý luận chính trị

4. Vụ Dân tộc III (2017), Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.

5. Bích Liên – Thạch Nuôi (2017), Chăm lo đời sống đồng bào Khmer là nhiệm vụ trọng tâm, https://laodong.vn/xa-hoi/cham-lo-doi-song-dong-bao-khmer-la-nhiem-vu-trong-tam-190652.bld

 


[1] Đặng Nguyên Anh (1999), “Di dân và quản lý di dân trong giai đoạn phát triển mới: Một số suy nghĩ từ góc độ nghiên cứu”, Tạp chí Xã hội học, Số 3,4 (67,68).

[2]. Vụ Dân tộc III (2017), Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.

[3]. Vũ Trường Giang (chủ biên) (2016), Di cư xuyên biên giới của các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam, NXB. Lý luận chính trị, tr.12

[4]. Vụ Dân tộc III (2017), Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.

[5]. Bích Liên – Thạch Nuôi (2017), Chăm lo đời sống đồng bào Khmer là nhiệm vụ trọng tâm, https://laodong.vn/xa-hoi/cham-lo-doi-song-dong-bao-khmer-la-nhiem-vu-trong-tam-190652.bld

 

TIN KHÁC