(Phú Yên) Đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở: Những bước chân không mỏi

Quá trình vận động thực hiện Pháp lệnh Dân số, giúp người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về DSKHHGĐ… không thể thiếu vai trò to lớn của cán bộ chuyên trách ở cơ sở và cộng tác viên dân số. Đội ngũ này đã và đang cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, làm cầu nối đưa chính sách DS-KHHGĐ đến với từng người dân.

Cộng tác viên dân số huyện Tây Hòa trao đổi kinh nghiệm truyền thông, vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Ảnh: THÁI HÀ

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Phường 9 (TP Tuy Hòa), những năm gần đây, nhận thức của người dân về thực hiện chính sách DSKHHGĐ ngày càng được cải thiện; chất lượng dân số được nâng lên nhiều mặt về thể chất, tuổi thọ, trình độ văn hóa, sức khỏe sinh sản…

Ông Nguyễn Văn Lai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 9, nguyên Trưởng ban Dân số phường 9 cho biết: Phường có 12 khu phố với 12 cộng tác viên (CTV) dân số kiêm nhiệm công tác phụ nữ. Dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các chị đang ngày đêm âm thầm góp phần rất lớn vào sự bình ổn về cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn phường.

Gắn bó với công tác dân số hơn 6 năm nay, Nguyễn Thị Cẩm Loan, CTV dân số khu phố Ninh Tịnh 5 (phường 9, TP Tuy Hòa) luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc; kịp thời cung cấp số liệu tin cậy, cập nhật tình hình DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng... đến chính quyền địa phương.

Chị Loan cho biết, khu phố Ninh Tịnh 5 là địa bàn rộng, những năm gần đây, dân số tăng nhanh và biến động phức tạp bởi người nhập cư. Hiện khu phố có 513 hộ dân sinh sống và liên tục có các gia đình chuyển đến, chuyển đi. Để nắm bắt biến động dân số, số người sinh ra, số người mất đi và vận động các gia đình thực hiện các biện pháp KHHGĐ cũng như các chính sách dân số khác, chị Loan phải thường xuyên đến tận nhà người dân để gặp gỡ, trò chuyện, vận động.

Với chị Loan, làm công tác dân số không khó nhưng vất vả vì phải bám sát địa bàn, theo dõi sát sao biến động dân số. Dẫu vậy, hơn 6 năm qua, chị vẫn không quản ngại ngày đêm để vừa làm báo cáo vừa tuyên truyền, thuyết phục người dân thực hiện tốt công tác dân số. “Mưa dầm thấm lâu, ban đầu người dân còn ngại ngùng, sau tôi đi mãi đến khi nhà nào cũng biết, người nào cũng thân quen thì người dân sẵn sàng lắng nghe. Cũng nhờ đó mà nhận thức của bà con trong khu phố về DS-KHHGĐ dần được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên”, chị Loan chia sẻ.

Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ CTV

Từ đây đến cuối năm, Sở Y tế tiếp tục tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ dân số cho đội ngũ y tế, dân số tuyến xã, phường, thị trấn; 9 lớp tập huấn nghiệp vụ dân số cho đội ngũ CTV dân số thôn, buôn, khu phố; 2 lớp tập huấn kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung cho đội ngũ cán bộ y tế, dân số tuyến huyện, xã.

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác DS-KHHGĐ là sự góp sức của đội ngũ cán bộ, CTV dân số ở cơ sở. Để phát huy vai trò của đội ngũ này, ngành Y tế tỉnh quan tâm đào tạo, tập huấn, trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, giúp họ có những đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Trong năm 2023, Sở Y tế đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ dân số cho gần 350 CTV dân số các thôn, buôn, khu phố.

Các lớp tập huấn trang bị kiến thức về chức năng, nhiệm vụ của CTV dân số; các chế độ, chính sách mới liên quan đến dân số và phát triển; cách thức đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền… Đầu năm 2024, Sở Y tế tiếp tục triển khai 3 lớp tập huấn chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho 207 học viên là trưởng ban dân số, cán bộ dân số… thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III của các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh.

Bà Bùi Thị Hương Hoa, CTV dân số xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) cho biết, khi mới nhận nhiệm vụ CTV, do chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về dân số nên bà gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Quá trình công tác, ngành Y tế thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ CTV, cán bộ dân số tại cơ sở nhờ đó, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phú Yên hiện có 602 CTV dân số. Dẫu còn nhiều vất vả nhưng đội ngũ những người làm dân số ở cơ sở đã vượt qua khó khăn, kiên trì thực hiện tốt công việc. Nhiều năm qua, đội ngũ CTV dân số trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả các chính sách về DS-KHHGĐ.

Để công tác dân số ngày càng đạt kết quả cao, bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Trưởng phòng Dân số (Sở Y tế) cho biết, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng… để đội ngũ CTV trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình.

THÁI HÀ

Nguồn: https://baophuyen.vn/

TIN KHÁC