Báo cáo rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, Điều ước quốc tế có liên quan khi ban hành Pháp lệnh Dân số sửa đổi

Nhằm góp phần xây dựng hệ thống pháp luật về dân số đồng bộ, thống nhất phù hợp với bối cảnh mức sinh thấp, già hóa dân số và yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Bộ Y tế tiến hành rà soát các chủ trương đường lối của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, Điều ước quốc tế có liên quan khi ban hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PLUBTVQH11, đã được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 08/2008/PLUBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 như sau:

1. Chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dự thảo Pháp lệnh:

- Năm 1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, với mục đích: “Vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc và hoà thuận của gia đình, vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo”.

- Sau thống nhất đất nước, từ Đại hội IV (1976) đến Đại hội XIII (2021) và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đều đề ra phương hướng, mục tiêu cho công tác dân số.

- Ngày 14 tháng 1 năm 1993 Nghị quyết 04-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về chính sách Dân KHHGĐ chỉ rõ: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”.

- Năm 2003, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Dân số.

- Năm 2005, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 47- NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

- Năm 2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.

* Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ đã ban hành 04 Chiến lược dân số thích ứng với từng thời kỳ.

2. Văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Pháp lệnh

2.1. Hiến pháp 2013: Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định:

- Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

- Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do vấn đề dân số có liên quan mật thiết đến các quyền, nghĩa vụ của công dân, các quyền con người đã được quy định, nên cần phải có quy định phù hợp Hiến pháp.

Dự kiến quy định của Pháp lệnh: Quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp được Pháp lệnh cụ thể hoá trong các nội dung, bảo đảm nhất quán theo quy định.

2.2. Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11: Vấn đề dân số và bình đẳng giới là hai vấn đề song hành có những tác động qua lại lẫn nhau trong xu thế phát triển. Bình đẳng giới là cũng là mục tiêu của công tác dân số, giúp phát huy vai trò tích cực của mỗi giới trong sự phát triển của gia đình, xã hội và đất nước. Trong lĩnh vực dân số, việc xác định vị trí, vai trò của nam và nữ rất quan trọng để tạo điều kiện cho họ tham gia bình đẳng các mối quan hệ xã hội.

Dự kiến quy định tại Pháp lệnh: Quyền của vợ, chồng trong việc quyết định số con.

2.3. Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 ngày 16/6/2020:

- Luật Thanh niên quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thanh niên, tổ chức khác, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Trong Luật này có những quy định liên quan đến các nội dung DS-KHHGĐ: phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện pháp luật về DS-KHHGĐ; giáo dục SKSS.

- Nội dung có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định trong Luật Thanh niên

2.4. Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13: Luật Tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

2.5. Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989

Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân quy định một số nội dung liên quan đến công tác dân số: Thực hiện kế hoạch hoá gia đình (Điều 43); Quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai (Điều 44);

2.6. Bộ Luật Dân sự 2015

Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39)

2.7. Luật Hôn nhân và Gia đình

Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Điều 2

2.8. Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

2.9. Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

2.10. Pháp lệnh Dân số 2003; Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2008

Nội dung rà soát toàn bộ Pháp lệnh. Dự kiến quy định tại Pháp lệnh: “Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản

- Quyết định về thời gian sinh con, cố con và khoảng cách giữa các lần sinh.

- Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.”.

3. Điều ước quốc tế, cam kết quốc tế liên quan đến công tác dân số mà Việt Nam là thành viên, tham gia

3.1. Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)

Nội dung cơ bản của công ước CEDAW hướng vào cách thức, biện pháp nhằm loại trừ mọi sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong thụ hưởng các quyền người cơ bản đã được xác định bởi các điều ước quốc tế về nhân quyền khác. Công ước CEDAW nhằm trao cho phụ nữ trên toàn thế giới những quyền con người đã được Luật quốc tế và luật pháp của các quốc gia ghi nhận, nhưng phụ nữ chưa được hưởng hoặc chưa được hưởng đầy đủ trên thực tế bởi sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên Công ước CEDAW. Trong các văn pháp luật của việt Nam đều nhất quán với chính sách nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ trên mọi lĩnh vực.

3.2. Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em (CRC)

Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em là một văn kiện pháp lý quốc tế toàn diện việc quốc tế bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em: quyền được sống, quyền phát triển và tham dự vào các hoạt động xã hội, quyền được bảo vệ và được chăm sóc, quyền được bảo vệ chống lại sự ngược đãi, bóc lột, bỏ rơi…

3.3. Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR)

Công ước khẳng định chân lý bất di bất dịch rằng việc công nhận những phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hoà bình trên thế giới. Công ước công nhận quyền của mọi dân tộc được tự định đoạt thể chế chính trị, đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, gồm cả quyền tự do định đoạt các nguồn tài nguyên của mình miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế, dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp, không thế lực nào được phép tước đi quyền sinh kế của một dân tộc. Đồng thời, các nước hội viên chịu trách nhiệm thúc đẩy và tôn trọng quyền tự quyết của các lãnh thổ được nước đó bảo hộ hoặc phụ thuộc vào nó.

3.4. Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD)

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) ra đời là để bảo vệ và thúc đẩy tốt hơn quyền của người khuyết tật. Bởi cho đến thời điểm Liên Hợp quốc thông qua Công ước (năm 2007), người khuyết tật ở nhiều nơi trên thế giới vẫn bị coi là đối tượng nhận sự trợ giúp từ xã hội hơn là chủ thể của quyền con người. Mục đích của Công ước này là thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng một cách bình đẳng và đầy đủ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người, và thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.

3.5. Chương trình hành động về dân số và phát triển (Cairo 1994)

Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển (ICPD) tại Cairo năm 1994 là điểm mốc đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và xây dựng chính sách thuộc lĩnh vực dân số và kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) của các nước trên thế giới. Một số vấn đề dân số và chương trình hành động ICPD

 (1) Mức sinh: Chương trình hành động ICPD chỉ rõ nghèo đói, suy dinh dưỡng, mù chữ, địa vị thấp của phụ nữ, tiếp cận hạn chế với các dịch vụ y tế và xã hội, bao gồm cả SKSS/KHHGĐ đều làm gia tăng mức sinh. Ngược lại, việc giảm thấp tỷ suất chết sơ sinh, tỷ suất chết mẹ đều dẫn đến suy giảm mức sinh.

(2) Kế hoạch hóa gia đình: được đề cập đầy đủ theo nguyên tắc phụ nữ có quyền quyết định mức sinh của mình. Sự tự nguyện trong kiểm soát sinh và sử dụng BPTT thích hợp là nguyên tắc rất quan trọng. Chương trình hành động xem KHHGĐ chỉ là một trong nhiều nội dung của SKSS. Chương trình KHHGĐ đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh ở các quốc gia đang phát triển. Quyền sinh sản gắn với chăm sóc SKSS, thực hiện trên cơ sở KHHGĐ tự nguyện, không bị ép buộc, được tiếp cận các biện pháp an toàn, có chất lượng và chi phí thấp (hoặc miễn phí) phù hợp với từng độ tuổi và nhóm văn hoá, phù hợp với từng giai đoạn của vòng đời và chu kỳ sinh sản.

Từ những căn cứ và phân tích nêu trên, cùng với kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý các vấn đề dân số, đặc biệt kinh nghiệm của các nước đã phát triển, đã và đang đối diện với vấn đề mức sinh thấp, việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong nước có liên quan khi xây dựng Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số 06/2003/PL-UBTVQH11, đã được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2008 để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là mức sinh của nước ta và bảo đảm tỉ suất sinh thay thế của quốc gia, giảm sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, đối tượng, góp phần có được quy mô, cơ cấu dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Minh Châu      

 

 

 

 

 

TIN KHÁC