- Tin tức - Sự kiện
- Tin hoạt động
Chia sẻ về khoa học dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng
Ngày 01/12/2023, tại Hà Nội, Cục Dân số đã tổ chức buổi Chia sẻ về Khoa học Dinh dưỡng trong Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tại cộng đồng với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Hội Dinh dưỡng, các Trường đại học, Bệnh viên Lão khoa Trung ương, Viện Dinh dưỡng, các nhà khoa học đến từ Hàn Quốc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục dân số.
Các đại biểu tham dự Buổi chia sẻ
Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số đến với tỷ trọng người cao tuổi (NCT) 60+ chiếm 10% dân số. Tính đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 12,56 triệu NCT (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ 12% dân số[1]. Theo dự báo, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, sức khỏe NCT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,7 tuổi (2022) nhưng số năm sống khỏe mạnh của Việt Nam là khoảng 65,3[2] tuổi. Trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh.
Một trong những vấn đề sức khỏe của NCT là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ở NCT làm gia tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị. Theo một số kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây, tỷ lệ NCT suy dinh dưỡng trong cộng đồng là 11–15%, tỷ lệ này tại bệnh viện dao động từ 17,4 đến 49,2%. Bên cạnh suy dinh dưỡng, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng thường gặp trên NCT do chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và kém đa dạng.
Toàn cảnh hội trường
Trong những năm qua, Việt Nam xác định dinh dưỡng là một trong những vấn đề sức khỏe cần được ưu tiên. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của ngành Y tế và sự tham gia tích cực của các ban, ngành và toàn xã hội tình trạng dinh dưỡng của người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới các vấn đề về dinh dưỡng cần được quan tâm là gánh nặng kép về dinh dưỡng với tỷ lệ thiếu dinh dưỡng thấp còi, thiếu đa vi chất dinh dưỡng khá phổ biến và đang tăng dần tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa. Do đó, một chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò quan trọng giúp duy trì thể trạng tốt, đồng thời hỗ trợ kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là ở NCT.
Từ buổi chia sẻ này một số giải pháp được đưa ra:
- Cần tiếp tục thực hiện tốt hơn “Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Quản lý nguy cơ, truyền thông nguy cơ liên quan đến dinh dưỡng để phòng chống bệnh cho NCT: Cần xây dựng mạng lưới quản lý, truyền thông, thực hành phòng chống nguy cơ nhiều hình thức, nhiều cấp độ; Truyền thông nguy cơ cụ thể, tạo ra cộng đồng có kỹ năng thực hiện các biện pháp cụ thể cắt đứt nguy cơ của gánh nặng kép về dinh dưỡng; Mỗi người cao tuổi đều đang lão hóa, dù đã mắc hay chưa mắc Hội chứng chuyển hóa thì vẫn cần có quy trình chăm sóc dinh dưỡng khép kín từ bệnh viện đến cộng đồng và ngược lại; Tạo ra các câu lạc bộ NCT, tạo ra mạng lưới cộng tác viên tham gia truyền thông cộng đồng, huy động cộng đồng thực hiện những việc mà chính họ nhận ra là cấp thiết và có thể làm được trong lựa chọn thực phẩm đưa vào xây dựng cơ cấu bữa ăn hợp lý; Cần cải tiến phương pháp đào tạo, đào tạo liên tục, tập huấn, hội thảo gắn chặt với kỹ năng nghề nghiệp để tạo nguồn nhân lực Dinh dưỡng đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của thực tiễn; Tạo cơ hội cho các cử nhân Dinh dưỡng không chỉ phục vụ trong các cơ sở y tế mà cần mở rộng khả năng phục vụ chăm sóc dinh dưỡng tại các trường học, các cơ sở sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng;
- Định hướng ưu tiên phát triển hoạt động khoa học: Ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo ra sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị. Ưu tiên nghiên cứu cho trẻ em và NCT; Nghiên cứu những mô hình để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành cho các nhóm đối tượng trong quản lý, sử dụng đa dạng thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn; Mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để nghiên cứu đánh giá các sản phẩm qua thử nghiệm lâm sàng, cung cấp thông tin chuẩn mực, khoa học giúp cho mọi người có lựa chọn đúng; Khuyến khích các nghiên cứu kế thừa những món ăn làm thuốc, nghiên cứu hiệu quả các dạng bào chế thảo dược trong và ngoài nước để hỗ trợ điều trị cho các đối tượng dựa theo dinh dưỡng truyền thống và văn hóa ẩm thực phương Đông.
MINH CHÂU