Cục Dân số tiếp và làm việc với UNFPA trong việc giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới

Ngày 12/05/2025 tại Cục Dân số, Cục Dân số đã có buổi làm việc với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA). Phía Cục Dân số có Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng làm trưởng đoàn. Đại diện phía UNFPA là ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia Chương trình về Giới và Quyền Con người, Trưởng nhóm Giới và bà Nguyễn Phương Thanh, Cán bộ chương trình. Hai bên cùng trao đổi về giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

Quang cảnh cuộc họp

Tại Việt Nam, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ trong thập kỉ qua. Tuy nhiên, việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội. Đây được xác định là nguyên nhân chính gây nên sự mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam. Việt Nam lần đầu ghi nhận sự mất cân bằng về tỷ số giới tính khi sinh vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số này gia tăng nhanh chóng. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh/100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái. Theo báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2020, ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm. Bằng chứng cũng cho thấy sự mất cân bằng về nhân khẩu học chính là hệ quả của việc chọn lọc giới tính trước khi sinh gây ra bởi tư tưởng thích con trai vốn đã ăn sâu bám rễ vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự ưa thích con trai chính là biểu hiện rõ ràng của bất bình đẳng giới.

Các cặp vợ chồng thường chịu áp lực phải sinh con trai rất lớn từ người chồng, gia đình chồng và dòng họ. Các quan niệm xã hội và tôn giáo xưa cũ đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên và thực hiện các nghi lễ quan trọng khác. Thậm chí, ở nhiều địa phương chỉ có con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ… Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Hệ luỵ của lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học và cụ thể là tăng áp lực kết hôn sớm đối với phụ nữ, tăng nhu cầu dịch vụ tình dục, gia tăng buôn bán phụ nữ kéo theo bạo lực tình dục đối với phụ nữ, làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, và sức khỏe tâm thần của phụ nữ.

Tại buổi làm việc, ông Matt Jackson ghi nhận và đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả giữa Cục Dân số Việt Nam và UNFPA tại Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về dân số, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (SRB), một trong những hệ quả trực tiếp của tâm lý ưa thích sinh con trai, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Ngoài ra sự hợp tác này đóng góp thiết thực vào việc thực hiện hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 (CPD10), Quỹ Dân số Liên Hợp quốc và Cục Dân số cam kết sẽ tiếp tục phối hợp trong phòng ngừa và ứng phó, giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới nhằm đảm bảo đạt được những kết quả đã đề ra trong bối cảnh có nhiều biến động hiện nay.

ĐÌNH PHI

 

TIN KHÁC