- Tin tức - Sự kiện
- Tin hoạt động
Hội thảo Di cư và Sức khỏe Người di cư nội địa
Ngày 24/9/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Di cư và Sức khoẻ Người di cư nội địa. Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế; bà Park Mihyung - Trưởng phái đoàn Di cư Quốc tế tại Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ban ngành, đại biểu các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy liên quan đến lĩnh vực dân số-y tế, đại diện Chi cục Dân số một số tỉnh/thành phố, các cơ quan của Liên hợp quốc, các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan báo chí và các bên liên quan.
Ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại buổi Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số mong muốn các diễn giả, các quý vị đại biểu tập trung thảo luận nhằm nhận diện một số vấn đề nhân khẩu học của di cư nội địa hiện nay; mối quan hệ giữa di cư với phát triển bền vững, di cư với việc làm, di cư với an sinh xã hội, di cư với giới và đặc biệt là hướng đến việc nâng cao sức khỏe người di cư; tăng cường sự hợp tác và tham gia của các bên, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay và đưa ra các khuyến nghị phù hợp.
Dân số Việt Nam hiện đang là 100,3 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 38,13%. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,4% tổng dân số. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dân số trong độ tuổi lao động lớn đã mang lại nhiều lợi thế to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cũng chắc chắn tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.
Ông Lương Quang Đảng - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và hợp tác quốc tế, Cục Dân số trình bày tại hội thảo
Theo kết quả Điều tra Biến động Dân số và Kế hoạch hoá gia đình 1/4/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dòng di cư cư chủ đạo tại Việt Nam là Thành thị - Thành thị và rất cách biệt giữa các dòng di cư: Thành thị - Thành thị (44,6%), Nông thôn- Thành thị (23,7%), Nông thôn - Nông thôn (22,8%) và Thành thị - Nông thôn (9%).
Khu vực có tỷ suất xuất cư cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (tỷ suất xuất cư là 5,2%o, tỷ suất di cư thuần 3,8%o, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc (tỷ xuất xuất cư là 5,0%o. Khu vực thu hút người di cư nhất là Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh có tỷ suất xuất cư cao như: Lạng Sơn, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư cao như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Long An (TCTK, số liệu sơ bộ năm 2023).
Đại diện các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tỷ lệ người di cư trong nhóm tuổi 20-24 là cao nhất ở cả nam và nữ. Tiếp đến là những người trong nhóm tuổi 25-29 và 15-19 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của di cư là việc làm (54,5%) và theo gia đình/chuyển nhà (15,5%), đi học (16%). Xu hướng nữ hóa di cư thường quan sát được trong nhiều năm qua. Nữ di cư chiếm 53,2% (2022). Tỷ lệ nữ di cư cao hơn nam di cư ở hầu hết các dòng di cư, ngoại trừ dòng di cư nông thôn - thành thị, tỷ lệ nam giới di cư cao hơn nữ giới 3,4 điểm phần trăm.
Về sức khỏe người di cư, theo kết quả Điều tra Di cư nội địa Quốc gia 2015, 60% số người di cư được hỏi cho biết sức khỏe hiện nay là bình thường, 70,2% có bảo hiểm y tế. Đa số người di cư (63%) tự chi trả chính cho lần đau/bệnh gần nhất của mình, trên 70% người di cư sử dụng dịch vụ y tế công. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ di cư (37,7%) thấp hơn so với người không di cư (58,6%).
Qua các phần báo cáo và thảo luận tại hội trường, Hội thảo đã làm rõ hơn về xu hướng di cư nội địa và tác động của di cư trong nước đến phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, về tình trạng sức khỏe của người di cư nội địa và những thách thức mà người di cư nội địa gặp phải trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trên cơ sở đấy đề suất những khuyến nghị nâng cao sức khỏe người di cư nội địa. Báo cáo kết quả của Hội thảo đã được chia sẻ rộng rãi tới các cá nhân và các bên có liên quan.
MINH CHÂU