Hội thảo định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo đặc trưng vùng miền

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của nước ta luôn ở mức trên 110 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, và ngày càng có xu hướng lan rộng xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (Tính đến năm 2021 đã có 06/06 vùng kinh tế - xã hội xảy ra tình trạng MCBGTKS).

Hiện nay, TSGTKS của các tỉnh/thành phố đang hình thành 3 nhóm: gồm nhóm 1 có TSGTKS rất cao (trên 112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống) gồm 21 tỉnh/thành phố, nhóm 2 có TSGTKS cao (từ 109-112 bé trai/100 bé gái sinh ra sống) gồm 18 tỉnh, nhóm 3 có tỷ số GTKS duy trì dưới mức 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống gồm 24 tỉnh. Cục Dân số, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và hướng dẫn địa phương thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 và định hướng các can thiệp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh được phân vùng theo 3 nhóm tỉnh.

Toàn cảnh Hội thảo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Để đạt mục tiêu TSGTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới thì trung bình mỗi năm phải giảm 0,3 điểm % nên việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của các Chương trình, Đề án đòi hỏi một quá trình lâu dài và yêu cầu phải có các bước đi thích hợp để đạt được mục tiêu là hết sức cần thiết.

Nhằm định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo đặc trưng vùng miền để giúp các đơn vị tìm ra những giải pháp tối ưu tại địa phương, đồng thời định hướng các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo đặc trưng vùng miền tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 03/7/2024 cho các tỉnh phía Nam và tại tỉnh Gia Lai ngày 22/7/2024 cho các tỉnh miền Trung với thành phần tham gia là đại diện một số ban, ngành, đoàn thể liên quan trong phối hợp thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS; đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách Đề án, hoạt động về kiểm soát MCBGTKS của Chi cục Dân số/Chi cục DS-KHHGĐ/Phòng Dân số các tỉnh/thành phố.

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo tại tỉnh Gia Lai

Tại Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng – Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế đã đưa ra những hậu quả có thể xảy ra nếu MCBGTKS: “MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học, tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, xã hội, đến an ninh trật tư, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững quốc gia”.

GS.TS Nguyễn Đình Cử trình bày tham luận tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe báo cáo từ các chuyên gia, báo cáo viên có nhiều kinh nghiệm trình bày, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm triển khai về: Kết quả thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025; tổng quan về nghiên cứu MCBGTKS ở Việt Nam; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về MCBGTKS trong các cấp Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phối hợp với ngành giáo dục lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS vào chương trình giáo dục các trường THPT; phát hiện từ những kết quả nghiên cứu về Kiểm soát MCBGTKS

Bên cạnh đó, ở mỗi Hội thảo còn có báo cáo tham luận của Chi cục Dân số-KHHGĐ/Dân số một số tỉnh/thành phố về Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2023; kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện; những thuận lợi, khó khăn vướng mắc và đề xuất.

Hội thảo là cơ hội để các địa phương và ngành Dân số cùng rà soát, chia sẻ kinh nghiệm và rút ra bài học để đồng lòng tiếp tục thực hiện mục tiêu đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

 

 

 

TIN KHÁC