Hội thảo tập huấn về công cụ ước tính chỉ số kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam

Từ ngày 01/10/2024 đến ngày 04/10/2024, tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tập huấn về công cụ ước tính chỉ số kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo tập huấn có các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực dân số-y tế, đại diện Chi cục Dân số một số tỉnh/thành phố, đại diện UNFPA, các cán bộ, chuyên viên Cục Dân số và Tổng cục Thống kê. Giảng viên của lớp tập huấn là Tiến sỹ Emily Sonneveldt, Giám đốc dự án Track 20 và bà Priya Emmart, Cán bộ dự án Track 20

Giảng viên cùng các học viên tham gia lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm

Lớp tập huấn đã tìm hiểu các dữ liệu sẵn có về kế hoạch hóa gia đình; thảo luận về các ưu tiên và nhu cầu dữ liệu; sử dụng mô hình để tạo ra những chỉ tiêu đầu ra chính (cấp trung ương và cấp tỉnh); sử dụng mô hình để tạo ra những chỉ số tác động (cấp trung ương và cấp tỉnh); thảo luận về cách triển khai những mô hình này ở cấp quận, huyện; xây dựng chỉ tiêu hàng năm; xây dựng báo cáo có cấu trúc cho Cục Dân số.

Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên đã được tìm hiểu và thực hành công cụ ước tính kế hoạch hóa gia đình (FPET). Công cụ ước tính này được phát triển thông qua sự hợp tác giữa Đại học Massachusetts Amherst, UNDP và Track 20, được tạo ra để tính toán các ước tính hàng năm và dự báo tương lai về tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại (mCPR), nhu cầu chưa được đáp ứng và nhu cầu được đáp ứng bằng các biện pháp hiện đại, đóng vai trò là các chỉ số cho tiến độ của sáng kiến toàn cầu FP2020. Hàng năm, phối hợp với Track 20, Bộ Y tế tại 69 quốc gia trọng tâm của FP2020 sử dụng công cụ này để tính toán các ước tính và đưa vào báo cáo tiến độ hàng năm của FP2020. Các ước tính cấp quốc gia này còn được các bên liên quan tại quốc gia đó sử dụng để theo dõi tiến độ của Kế hoạch thực hiện có tính chi phí (CIP) hoặc các chiến lược quốc gia khác, từ đó hỗ trợ ra quyết định trong lập kế hoạch chương trình. Nếu có dữ liệu cấp dưới quốc gia, các Bộ Y tế cũng có thể sử dụng FPET để tính toán các ước tính ở cấp địa phương, giúp định hướng chiến lược phi tập trung.

FPET là một mô hình phân cấp theo phương pháp Bayesian, nghĩa là nó dự đoán khả năng xảy ra của một kết quả tương lai nhất định dựa trên kiến thức tổng thể về quá trình các quốc gia thay đổi tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai từ thấp đến cao trong lịch sử. Mô hình này được cung cấp dữ liệu từ nhiều cấp độ (quốc gia, tiểu vùng, khu vực và toàn cầu). FPET đặc biệt ở chỗ nó không chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát mà còn xem xét số liệu thống kê dịch vụ (nếu được xác định là có chất lượng đủ tốt) và các xu hướng thay đổi lịch sử ở cấp khu vực và toàn cầu để đưa ra các ước tính hàng năm về mCPR và nhu cầu chưa được đáp ứng. FPET là một ứng dụng miễn phí, chạy trên nền tảng web và được tích hợp sẵn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Sử dụng Biện pháp tránh thai toàn cầu của Ủy ban Dân số Liên hợp quốc (UNDP).

Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trao chứng chỉ cho các học viên

Phó Cục trưởng Phạm Vũ Hoàng trao chứng chỉ cho các học viên

Qua thời gian tập huấn nghiêm túc, hiệu quả, các học viên đã được thực hành công cụ ước tính kế hoạch hóa gia đình, đưa ra được ước tính hàng năm về các chỉ số kế hoạch hóa gia đình quan trọng cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm về phân tích, khai thác cơ sở dữ liệu tại Việt Nam.

MAI TRANG

 

 

TIN KHÁC