- Tin tức - Sự kiện
- Tin hoạt động
Hội thảo tham vấn chính sách về duy trì mức sinh thay thế
Ngày 11/12/2024 tại Hà Nội, Cục Dân số, Bộ Y tế phối hợp với cơ quan Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn chính sách về duy trì mức sinh thay thế. Tham dự và chỉ trì hội thảo có ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Ông Phạm Vũ Hoàng, Cục phó Cục Dân số, Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.
Đoàn Chủ tọa Hội thảo
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Dân số được phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53,873,500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước. Điều này cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Ông Lê Thanh Dũng – Cục trưởng Cục Dân số phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, thời gian qua, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đến tham dự và phát biểu Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam ông Matt Jackson đã nói: “Tôi rất vui mừng được tham gia cùng quý vị hôm nay để cùng nhìn lại những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994. Trước tiên, tôi đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các nguyên tắc của ICPD trong suốt ba thập kỷ qua, đảm bảo rằng các chính sách dân số đóng góp vào việc thực hiện quyền con người và phát triển bền vững. Đặc biệt, sự kiện hôm nay phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc thích ứng với sự thay đổi về dân số và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc đảm bảo các chính sách lấy con người làm trung tâm vì sự thịnh vượng và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai”.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi Hội thảo
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo một báo cáo gần đây của UNFPA, hai phần ba dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với ngày càng nhiều quốc gia. Kể từ những năm 1970, một số quốc gia đã áp dụng các chính sách khuyến sinh để tăng hoặc duy trì mức sinh thay thế, ví dụ như sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng việc sử dụng các biện pháp ép buộc trong sinh sản không hiệu quả trong việc thay đổi mức sinh – điều này đã được chứng minh.
Những thay đổi về mức sinh chịu ảnh hưởng lớn từ sự lựa chọn sinh sản, và điều này lại bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế - xã hội như vai trò giới, chi phí sinh hoạt, cơ hội việc làm, chi phí chăm sóc trẻ em, cũng như gánh nặng công việc không được trả lương mà chủ yếu đè nặng lên đôi vai người phụ nữ.
Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận cũng như những chia sẻ, trao đổi xung quanh vấn đề mức sinh và khung chính sách tổng thể về dân số, đảm bảo tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số. Các ý kiến đóng góp được Cục Dân số tiếp thu tích cực trong quá trình xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số cũng như quá trình triển khai thực thi nhiệm vụ.
MINH CHÂU

