- Tin tức - Sự kiện
- Tin hoạt động
Họp góp ý đề cương bộ công cụ về đưa nội dung giới trong hoạt động ngoài giờ tại các trường phổ thông
Ngày 03/12/2024, thực hiện chương trình hợp tác giữa Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) trong khuôn khổ Dự án Phòng, chống và ứng phó với bạo lực giới và các thực hành có hại năm 2024, Cục Dân số tổ chức cuộc họp góp ý đề cương bộ công cụ hỗ trợ đưa nội dung giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp tại các trường THCS và THPT.
Tham dự cuộc họp, có đại diện Bộ Y tế, Cục Dân số, đại diện Bộ Nội vụ, Hội Nông dân, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, các chuyên gia cùng các cán bộ đại diện UNFPA.
Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số chủ trì cuộc họp
Trong khuôn khổ buổi họp, chuyên gia đã trình bày dự thảo đề cương bộ công cụ hỗ trợ đưa nội dung giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vào trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp tại các trường THCS và THPT. Mục đích của tài liệu là hỗ trợ người tổ chức các buổi hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các trường THCS và THPT sử dụng các hình ảnh trực quan để minh họa cho các nội dung cần truyền thông về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Tài liệu được dùng cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn; tổng phụ trách Đội và cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; thành viên Ban chủ nhiệm CLB học sinh.
Toàn cảnh buổi họp
Tài liệu gồm 3 phần: Phần 1: Giới thiệu mục đích và đối tượng sử dụng. Phần 2: Một số kiến thức cơ bản dành cho học sinh trung học cở sở và trung học phổ thông về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh. Phần 3: Các sản phẩm truyền thông về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh sử dụng cho hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp tại các trường THCS và THPT. Dự thảo đề cương bộ công cụ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích, hiệu quả từ các chuyên gia và các đại biểu tham dự.
Thay mặt Cục Dân số Bà Hoàng Thị Thơm - Phó Cục trưởng Cục Dân số trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của các đại biểu, các chuyên gia để đóng góp cho đề cương được đầy đủ, chi tiết và hợp lý hơn, làm sao để các bộ công cụ đạt được tính đúng, đủ, dễ hiểu, dễ tiếp cận và phù hợp với các đối tượng sử dụng.
MAI TRANG