- Tin tức - Sự kiện
- Tin hoạt động
Tọa đàm khoa học “Công tác dân số trong tình hình mới: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách”
Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước KX.02.27/21-25 “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng chính sách dân số và gia đình thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Cục Dân số - Bộ Y tế phối hợp với Viện Xã hội học và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học “Công tác dân số trong tình hình mới: thực trạng, những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách” với mục tiêu: xác định các vấn đề trọng tâm, các thách thức mà công tác dân số phải đối mặt trong giai đoạn tới.
Đại diện các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh kỷ niệm
Tới tham dự tọa đàm, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành tại Trung ương, lãnh đạo Cục Dân số - Bộ Y tế, đại diện các viện nghiên cứu, các tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, học giả, chuyên gia và cán bộ của Cục Dân số, Viện Xã hội học và Phát triển. Các thành viên tham dự đã trao đổi và chia sẻ ý kiến nhằm đưa ra các giải pháp, khuyến nghị về chính sách giúp Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện gửi Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV để tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Tọa đàm đã nhận được 07 bài tham luận của các cán bộ, nhà khoa học từ các cơ quan chức năng của Cục Dân số, Bộ Y tế, trong đó, có 04 tham luận được trình bày trực tiếp tại Tọa đàm. Nhìn chung, các tham luận đều đảm bảo đúng định hướng có nội dung khoa học phong phú, có chất lượng tốt, góp phần quan trọng vào thành công của Tọa đàm. Nội dung các tham luận phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về chủ đề Tọa đàm.
Tham luận 1: Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân số và gia đình
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của yếu tố dân số trong lập kế hoạch phát triển không chỉ thể hiện giá trị chỉ đạo thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ, mà còn là kim chỉ nam cho việc bảo đảm cung cấp đầy đủ tình hình dân số, dự báo dân số tin cậy phục vụ quản lý nhà nước về dân số và góp phần xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mọi cơ quan tổ chức.
Dân số là mẫu số của mọi bài toán hay mọi lĩnh vực phát triển. Tuy nhiên dân số luôn biến động theo không gian và thời gian. Để có số liệu dân số "phục vụ lợi ích nhân dân", Chính phủ "phải biết rõ" số liệu hiện tại và dự báo.
Theo Bác, "để đặt kế hoạch cho đúng", Chính phủ phải biết "có bao nhiêu người" tại miền Bắc, mỗi tỉnh (quy mô dân số); có bao nhiêu người là đàn ông, đàn bà (cơ cấu dân số theo giới tính), là cụ già, trẻ em (cơ cấu dân số theo tuổi) ... Số liệu dân số cần được phân tích và dự báo theo từng yếu tố dân số theo mục tiêu của kế hoạch phát triển.
Bà Lê Thị Thanh Hà, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Tham luận 2: Thực trạng mức sinh tại Việt Nam
Bài tham luận đã trình bày được thực trạng mức sinh tại Việt Nam; Dự báo dân số 2019-2069 và định hướng chính sách. Từ khi chương trình DS-KHHGĐ được triển khai, qua 44 năm, tổng tỷ suất sinh -TFR đã giảm từ 6,4 con (1960) xuống 2.11 con (2005) và duy trì mức sinh thay thế cho đến nay. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) đã không còn tăng và nó đã bắt đầu giảm nhẹ, từ 57,3% (2009) xuống còn 51,6% (2019) và sẽ còn giảm mạnh hơn trong tương lai (TCTK, 2019). Tuy nhiên, việc ổn định mức sinh ở cấp vĩ mô đã phần nào che khuất diễn biến mức sinh ở cấp khu vực và tỉnh thành thời gian gần đây.
BS,ThS Đặng Quỳnh Thư - Trưởng phòng Quy mô dân số-KHHGĐ - Cục Dân số - Bộ Y tế trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Tham luận 3: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng chính sách dân số
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã nêu bật vai trò của yếu tố dân số trong lập kế hoạch phát triển không chỉ thể hiện giá trị chỉ đạo thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ, mà còn là kim chỉ nam cho việc bảo đảm cung cấp đầy đủ tình hình dân số, dự báo dân số tin cậy phục vụ quản lý nhà nước về dân số và góp phần xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mọi cơ quan, tổ chức.
ThS. Đinh Thái Hà trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Tham luận 4: Xu hướng tác động đến chính sách Dân số ở Việt Nam
Trong khuôn khổ của bài tham luận, tác giả đã đề cập tới hai xu hướng kinh tế đến chính sách về dân số và y tế, đó là xu hướng kinh tế Bạc và kinh tế Độc thân. Thứ nhất, kinh tế Bạc được biết đến khi có quá trình dân số già ngày càng tăng. Khi con người sống lâu hơn và tỷ lệ người lớn tuổi tăng lên, sẽ có cả cơ hội và thách thức xuất hiện. Thứ hai, kinh tế Độc thân được đề cập đến tác động kinh tế hoặc những cân nhắc liên quan đến các cá nhân độc thân.
Ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Thông tin và Dữ liệu - Cục Dân số - Bộ Y tế trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Công tác dân số hiện nay ở Việt Nam không còn bó hẹp trong khuôn khổ kế hoạch hóa gia đình. Trong tình hình mới, các nội dung công tác dân số nhiều hơn, rộng lớn hơn và đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ nhiều bên. Những bài tham luận tại buổi Tọa đàm đã cung cấp phần nào những giải pháp, khuyến nghị và đề xuất để xác định rõ hơn các vấn đề trọng tâm và thách thức mà công tác dân số phải đối mặt trong giai đoạn tới.
MAI TRANG