- Tin tức - Sự kiện
- Tin hoạt động
Tọa đàm Mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngày 20/6/2023 tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức buổi Tọa đàm “Mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý nhà nước” với mục tiêu nhận diện thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay và khuyến nghị hàm ý chính sách trong đó có các yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước về vấn đề này. Tham dự buổi Tọa đàm có các đại biểu đại diện các Bộ, ngành; đại diện một số Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành phố; chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học; đại diện một số tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí.
Ngày 20/6/2023 tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức buổi Tọa đàm “Mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý nhà nước” với mục tiêu nhận diện thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam hiện nay và khuyến nghị hàm ý chính sách trong đó có các yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước về vấn đề này. Tham dự buổi Tọa đàm có các đại biểu đại diện các Bộ, ngành; đại diện một số Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành phố; chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học; đại diện một số tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí.
TS. Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và bà Hellen Buchhave - Chuyên gia cao cấp về Phát triển xã hội, Ngân hàng Thế giới chủ trì phiên Thảo luận
Tại Việt Nam, giai đoạn đầu từ năm 1999 đến năm 2005, xu hướng biến động tỷ số giới tính khi sinh (SRB) không rõ ràng, dao động trong khoảng từ 104 đến 109 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, SRB của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng đáng kể, cao hơn mức cân bằng tự nhiên (103-107 bé trai/100 bé gái). Năm 2021, tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.
Sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan thông tin đại chúng cũng như các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cũng đã sớm ban hành các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh được thể hiện rõ trong Pháp lệnh Dân số năm 2003 và trong các quy định của Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, trong các Nghị định của Chính phủ. Các chỉ tiêu và mục tiêu tỷ lệ giới tính khi sinh được đưa vào các văn bản chính sách…Các quy định về đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là nội dung trong điểm trong dự thảo Luật Dân số. Hiện nay Tổng cục Dân số đang triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các mô hình can thiệp cũng đã được triển khai như mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; Mô hình lồng ghép nội dung về giảm thiểu MCBGTKS trong các trường trung học cơ sở; Lồng ghép nội dung về kiểm soát MCBGTKS trong hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong lĩnh vực này. Với những nỗ lực như hiện nay, Việt Nam hi vọng sẽ đạt được mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên trong đó đến năm 2030 tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống như Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu.
Tọa đàm cũng đã được nghe bà Helle Buchhave, Chuyên gia cao cấp về phát triển xã hội, Ngân hàng thế giới chia sẻ về báo cáo nghiên cứu Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị chính sách, báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị chính sách cụ thể cho các bên liên quan và một lộ trình triển khai nhằm đạt các mục tiêu quốc gia và quốc tế về bỏ lựa chọn giới tính trong thập kỷ tới.
Kết luận tại Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Hoàng đề nghị các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các Bộ, ngành, các học viện, nhà trường, chuyên gia, báo chí tăng cường phối hợp với Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cùng chung tay giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để từng bước đưa về mức cân bằng tự nhiên, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
THƯ TRỊNH