Hội nghị công bố báo cáo Cập nhật Tình trạng Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam

Sáng ngày 23/10 tại Hà Nội, tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội nghị công bố báo cáo cập nhật Tình trạng Nghèo và Bình đẳng ở Việt Nam năm 2024, chủ trì hội nghị là TS. Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương (CEC) và TS. Judy Yang, chuyên gia của WB. Tham dự hội nghị có đại diện nhiều đơn vị, bộ ngành Trung ương, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí.

Quang cảnh buổi Hội nghị

Trong vòng 2 thập kỷ, từ năm 1993 trở đi hơn 40 triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu tại Đại hội Đảng Toàn quốc, Quốc hội mà Chính phủ đề ra. Thu nhập và đời sống của người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo (vùng đặc biệt khó khăn) được nâng lên, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội thiết yếu được ưu tiên đầu tư và thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, khó khăn được cải thiện.

Giai đoạn 2011-2015 theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã về tích trước 10 năm so với mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong điều kiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Việt Nam được xếp thứ 27 trong số 124 nước đang phát triển xét về năng lực “Xóa đói giảm nghèo” trên các nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan.

Giai đoạn 2016-2020 tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tỉ lệ giảm nghèo đa chiều đã giảm nhanh, bình quân giảm 1,43% mỗi năm. Đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo chung của cả nước đã giảm 2,93%.

Phát biểu tại hội nghị PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Công tác xóa đói giảm nghèo đã trở thành thành tựu nổi bật ở Việt Nam trong thời kì 40 năm đổi mới được Tổ chức quốc tế ghi nhận và là quốc gia đầu tiên ở Châu Á thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo đa chiều bao trùm và bền vững.

Theo báo cáo hành chính, chỉ số nghèo nghèo đa chiều Toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023. Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã đạt được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm.

Những khó khăn và thách thức trong quá trình giảm nghèo

 Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao và sản sinh nghèo còn lớn, chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận thị trường việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp. Đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi.

Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa đã và đang tạo nhiều thách thức đối với việc đảm bảo cơ hội tiếp cận kiến thức xã hội cơ bản đối với người di cư. Đặc biệt là vấn đề nhà ở, trường học, chăm sóc y tế, dinh dưỡng đối với người nghèo đô thị, người lao động tại các khu công nghiệp.

Trong giai đoạn 2020-2022, tỷ trọng tầng lướp trung lưu ở khu vực nông thôn không thay đổi, trong khi ở khu vực thành thị có mức giảm rõ rệt (từ 52% giảm xuống còn 43%). Tuy nhiên, người nghèo vẫn bị ảnh hưởng vì họ dễ bị tổn thương ngay cả trước những cú sốc nhỏ.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có những lo ngại về tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Các dự báo về tình trạng nghèo được đưa ra khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19 đã dự đoán rằng, tiến bộ giảm nghèo sẽ chững lại vào năm 2021 và tốc độ giảm nghèo sẽ chậm lại kể từ năm 2022 trở đi.

Tỷ lệ nghèo thực tế vào năm 2022 cao hơn so với dự đoán trước đó. Các chỉ số về thu nhập từ việc làm vào năm 2023 có sự phục hồi về mức trước Covid-19, nhưng vẫn thấp hơn mức dự kiến trong giả định không có Covid-19.

Ngoài ra điều kiện nhà ở đông đúc, chi phí sinh hoạt cao hơn, giao thông tắc nghẽn, thiếu khả năng dịch chuyển và tiếp cận việc làm hoặc ô nhiễm không khí có nhiều khả năng là rủi ro và thách thức đối với người dân sinh sống ở khu vực thành thị hơn là tại khu vực nông thôn.

Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến sự phát triển tràn lan, làm giảm mức độ và tính hiệu quả có được từ sự tập trung về không gian, năng suất lao động thấp hơn và tình trạng tắc nghẽn giao thông gia tăng ở các thành phố lớn. Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng và tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị thậm chí còn cao hơn khi sử dụng các kỹ thuật đo lường khác nhau.

Việc duy trì thành quả và phát triển các cơ hội ở các khu vực thành thị là rất quan trọng đối với mục tiêu chặng đường tiếp theo của Việt Nam hướng tới vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao và tiếp đó là quốc gia có thu nhập cao. Trong thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam mang tính bao trùm và sinh kế ở Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể theo hướng tiến bộ.

Giảm thiểu tiêu cực, phát huy sự tích cực

Trao đổi tại Hội nghị, PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, các tác động luôn có cả 2 chiều, bao gồm cả tích cực và tiêu cực

Phiên thảo luận tại Hội nghị

Khi xem xét tác động nhóm người nghèo tạo ra đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung, vị chuyên gia này cho biết, về mặt tiêu cực, nhóm người nghèo tạo ra 5 tác động tiêu cực tới thịnh vượng chung, bao gồm: (i) Tăng lực lượng lao động dư thừa, lực lượng lao động không có kỹ năng. Hiện nay chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần nhất là có lao động có kỹ năng, có trình độ, trong khi đó, nhóm những người nghèo thường là lao động không có kỹ năng, lao động giá rẻ, do đó dễ dẫn tới giảm chất lượng tăng trưởng. (ii) Nghèo đói làm tăng khu vực kinh tế phi chính thức; (iii) Tăng sức ép lên hệ thống an sinh xã hội tại khu vực đô thị; (iv) Tăng thêm sức ép lên trật tự xã hội; (v) Tăng bất bình đẳng, tăng thách thức cho nền kinh tế.

Có 3 tác động tích cực, bao gồm: (i) Tăng nguồn lao động cho quá trình công nghiệp hóa, chưa có kỹ năng thì có thể đào tạo; (ii) Đáp ứng được nhu cầu về lao động trong 1 số ngành thương mại, dịch vụ tại các vùng đô thị, ví dụ như: dịch vụ chăm sóc người già, dịch vụ số, dịch vụ xanh; (iii) Tạo sức ép lên quản trị đô thị hiệu quả.

Để giải quyết vấn đề, PGS, TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định, về cơ bản, cần giảm thiểu các tác động tiêu cực, phát huy các điểm tích cực.

Thứ nhất, cần cải thiện tiếp cận dịch vụ cơ bản cho người nghèo, như: nước sạch, thông tin, sức khoẻ, giáo dục… do đó cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng để người nghèo có thể tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Nhà ở cũng là nhu cầu rất quan trọng.

Thứ hai là tạo việc làm, chú ý công tác tạo việc làm, tạo việc làm bền vững và chất lượng, việc này đòi hỏi nhiều các giải pháp nhỏ hơn, như: hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (đây là khu vực có khả năng tạo việc làm tốt), đào tạo kỹ năng cho người lao động, đầu tư hạ tầng để người dân có thể di chuyển tốt (di chuyển tốt sẽ linh hoạt trong sử dụng các nguồn lực)./.

ĐÌNH PHI

 

TIN KHÁC