Tọa đàm Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách

Ngày 24/9/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách”.

Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ và lấy ý kiến đóng góp cho báo cáo kết quả nghiên cứu “Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách” do Viện Phát triển Bền vững (thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và UNDP tại Việt Nam phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) thông qua Chương trình nghiên cứu Hiệu quả quản trị và hành chính công ở Việt Nam (PAPI).

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Tham dự toạ đàm có bà Sabina Stein, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Lê Quang Cảnh - Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững và các đại diện thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các nhà khoa học và các phóng viên báo chí, truyền hình tới dự và đưa tin về buổi Tọa đàm.

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS Lê Thành Hiếu và bà Sabina Stein, PGS.TS Lê Quang Cảnh - Viện trưởng Viện Phát triển Bền vững - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trình bày kết quả nghiên cứu về việc di cư nội địa tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo đã chỉ ra lý do chính người dân hai vùng đồng bằng di cư là do tìm kiếm cơ hội việc làm, thu nhập ngoài ra một phần cũng do biến đổi khí hậu là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới quyết định di cư.

Trong bối cảnh hiện nay, những khó khăn người di cư đang phải đối diện là không có chính sách hỗ trợ riêng, bởi các chính sách liên quan đều được quy định trong các văn bản và thực hiện ở các địa phương với nhiều nội dung khác nhau, cùng với đó sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cư trú và quản lý lao động chưa chặt chẽ.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người di cư còn nhiều hạn chế, đời sống vật chất thiếu thốn, nhiều trường hợp người di cư khó tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục công, trong đó đặc biệt đáng lo ngại là giáo dục phổ cập cho con cái của người di cư.

Vì vậy, để có thể xây dựng và hoàn thiện chính sách cho người dân di cư, đảm bảo phát triển kinh tế - an sinh xã hội, báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị về hàm ý chính sách về việc công nhận và thực thi quyền của người di cư, nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng; tăng cường hiểu biết về quyền của người di cư trong đội ngũ cán bộ địa phương, nâng cao trách nhiệm hướng dẫn của cán bộ, công chức nơi tiếp nhận người di cư.

Buổi tọa đàm cũng đã đón nhận nhiều trao đổi, nhiều ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách đến từ nhiều đơn vị về việc triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân di cư, hướng tới phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

BẢO TRUNG

TIN KHÁC