- Tin tức - Sự kiện
- Tin tổng hợp
Đề xuất điều chỉnh danh mục bí mật nhà nước về số liệu điều tra dân số
Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của luật, chưa công khai; nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang lấy ý kiến: Đề xuất bỏ thông tin về số liệu điều tra dân số ra khỏi danh mục bí mật nhà nước, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, phục vụ cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách và phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa
Theo đó các số liệu điều tra dân số hiện nay đã được công bố công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, được phổ biến trong các báo cáo thống kê, tài liệu nghiên cứu và văn kiện chính sách. Vì vậy việc tiếp tục giữ các thông tin này trong danh mục bí mật nhà nước là không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế minh bạch hóa thông tin.
Tại Điều 7 về phạm vi bí mật nhà nước, dự thảo đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ một số nội dung khỏi danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực dân số như: thông tin, tài liệu, số liệu điều tra về dân số; tình hình phức tạp về trẻ em, bình đẳng giới; chiến lược, kế hoạch, đề án về người có công với cách mạng.
Sự thay đổi này được coi là phù hợp với xu hướng quản trị hiện đại. Số liệu điều tra dân số và nhà ở là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá thực trạng dân cư, phân bố dân cư, chất lượng sống, hạ tầng nhà ở và nhiều yếu tố liên quan đến phát triển bền vững. Việc mở rộng quyền tiếp cận thông tin sẽ giúp các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dễ dàng sử dụng số liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giám sát và xây dựng các chương trình, dự án phù hợp thực tiễn.
Đại diện Tổng cục thống kê cũng khẳng định việc công bố kết quả điều tra dân số gần đây đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo mật, đảm bảo không tiết lộ thông tin cá nhân của người dân. Việc loại bỏ tính “ bí mật nhà nước” không đồng nghĩa với việc buông lỏng bảo mật, mà là để phân biệt giữa dữ liệu cá nhân cần bảo vệ và số liệu tổng hợp cần được chia sẻ.
Sự thay đổi cũng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển minh bạch thông tin.Việc đề xuất loại bỏ số liệu điều tra dân số khỏi bí mật danh mục nhà nước còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thống kê quốc gia, thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu mở trong hoạch định chính sách và giám sát xã hội. Đây cũng là bước đi phù hợp Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó nhấn mạnh vai trò của dữ liệu minh bạch, dễ tiếp cận trong thời đại số.
Việc thay đổi này theo Bộ Công an là để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Việc đề xuất điều chỉnh danh mục bí mật nhà nước được đánh giá là cần thiết để phù hợp với thực tiễn công tác bảo vệ bí mật nhà nước, cũng như tổ chức, vận hành bộ máy trong hệ thống chính trị. Đề xuất này được xây dựng trên cơ sở cân nhắc giữa yêu cầu bảo mật và xu hướng tăng cường minh bạch thông tin trong giai đoạn hiện nay.
LÊ ÂN

