- Tin tức - Sự kiện
- Tin tổng hợp
Điểm lại 10 xu hướng biến đổi dân số của Việt Nam
GS. TS Nguyễn Đình Cử
Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội,
Đại học Kinh tế Quốc dân
(PLM) - Chính sách dân số đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng trong suốt hơn 60 năm qua, cùng với nỗ lực trên toàn cầu, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong công tác về dân số. Những thành tựu đạt được của công tác dân số đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải trải qua giai đoạn biến động nhân khẩu học sâu sắc, tình hình dân số nước ta đã có những thay đổi căn bản. Kỷ niệm 27 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12/1997 – 26/12/2024), cùng điểm lại 10 xu hướng biến đổi của dân số Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học kinh tế Quốc dân.
Mức sinh thấp, có xu hướng giảm sâu và khác biệt giữa các vùng, tỉnh
Nếu những năm 60 của thế kỷ trước, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam, khi hết tuổi sinh đẻ có trung bình khoảng 7 con, thì bước vào thế kỷ 21, mức sinh thay thế năm 2005 đã giảm rõ rệt, chỉ còn 2,11 con/phụ nữ, đạt mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/HNTW sớm 10 năm, đây cũng là mục tiêu của chính sách dân số Việt Nam theo đuổi từ năm 1961.
Cùng với đó, việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam. Nhưng cùng với đó, mức sinh của nước có xu hướng và đang tiếp tục giảm sâu dưới mức sinh thay thế, năm 2023, lần đầu tiên, mức sinh cả nước giảm, chỉ còn 1,96 con/phụ nữ. Dự báo, khoảng gần giữa thế kỷ, Việt Nam sẽ đứng trước thách thức dân số già, thiếu hụt lao động và nhiều hệ lụy khác.
Mức chết giảm mạnh, đặc biệt là mức chết ở trẻ em
Nhờ những thành tựu về kinh tế, xã hội, đặc biệt là Y tế, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 45,2%o năm 1994 xuống còn 12,1% năm 2022. Tỷ suất chết thô (tỷ suất chết tính cho toàn bộ dân số) cũng giảm từ 21%o giai đoạn (1960-1965) xuống còn 6,1%o năm 2022. Có thể nói Việt Nam đã chuyển đổi thành công quá độ dân số từ sinh nhiều, chết nhiều đến sinh ít, chết ít.
Quy mô dân số Việt Nam lớn và mật độ dân số rất cao
Mặc dù mức sinh thấp, dân số tăng chậm lại nhưng Việt Nam vẫn có quy mô dân số lớn và mật độ dân số rất cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, Việt Nam đã có 100,3 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 3 ở Đông Nam Á. Dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ tăng đã giảm từ trên 3,3%/năm giai đoạn (1955-1965), chỉ còn 0,84% vào năm 2023.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến hết năm 2023, dân số trung bình năm 2023 ước tính 100,3 triệu người, tăng 835 nghìn người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, năm 2022, mật độ dân số nước ta là 300 người/1km2, so với mật độ dân số thế giới, mật độ dân số nước ta cũng cao gấp hơn 5 lần. Với quy mô và mật độ dân số cao đồng nghĩa với việc Việt Nam là thị trường lao động và thị trường tiêu dùng lớn, điều kiện thuận lợi cho phân công lao động xã hội, đủ nhân lực để thúc đẩy cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tuổi kết hôn ngày càng tăng, gia đình nhỏ dần và thiếu bền vững
Từ năm 1989 đến nay, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ ổn định quanh 23 tuổi; đối với nam giới, tuổi kết hôn đã tăng từ 24,4 năm 1989 lên 27,2 năm 2019, trong đó, khu vực Đông Nam bộ và thành thị lên tới 28,1 tuổi.
Cùng với đó, số hộ gia đình của nước ta tăng nhanh nhưng quy mô trung bình của gia đình Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt, cùng với mức độ thu nhập và chi tiêu tăng đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, gia đình nhỏ cũng gây thách thức đối với chăm sóc người cao tuổi.
Theo Tổng điều tra dân số, tỷ lệ ly hôn tăng gần gấp đôi sau 10 năm (năm 2009 là 1%, năm 2019 là 1,8%). Cùng với đó, thống kê của Toà án nhân dân tối cao, cho biết: Giai đoạn 1977 - 1982, trung bình mỗi năm có 5.672 vụ ly hôn nhưng giai đoạn 2008-2018, bình quân mỗi năm có 138.466 vụ (tăng gấp 25 lần). Gần đây, năm 2022 có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý. Những con số cho thấy được, tính thiếu bền vững của gia đình mà biểu hiện là ly hôn ngày càng tăng cũng là một thách thức lớn đối với công tác dân số.
Chất lượng dân số tăng nhưng chưa cao
Theo UNDP, “Chỉ số phát triển con người – HDI” của Việt Nam là 0,726 vào năm 2022 và thuộc nhóm các nước có HDI cao trên Thế giới. Tuy nhiên, so với các nước khác, Việt Nam thứ hạng còn thấp, xếp thứ 107 trong số 193 nước so sánh. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội nâng cao chất lượng dân số, như: Mức sinh thấp, gia đình ít con, tạo điều kiện nuôi dạy con tốt. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi con người có trình độ cao. Đây là động lực mạnh thúc đẩy con người học tập, không ngừng nâng cao trình độ.
Việt Nam đang trong thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng” nhưng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã qua “đỉnh cao”
Dưới góc độ kinh tế, một cách tương đối, người ta chia dân số thành hai nhóm: Nhóm “Dân số hoạt động kinh tế” (từ 15 đến 64 tuổi) và Nhóm “Dân số không hoạt động kinh tế” hay còn gọi là “nhóm phụ thuộc” bao gồm trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) và người cao tuổi (65 tuổi trở lên). Khi ít nhất 66% dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế (15-64), thì được gọi là “cơ cấu dân số vàng” (2 lao động “gánh” 1 phụ thuộc), cơ cấu này rất hiếm gặp. Việt Nam đã có 20 năm trong “cơ cấu dân số vàng” và đã qua đỉnh của tỷ lệ dân số trong độ tuổi (15-64). Tuy nhiên, cơ hội “cơ cấu dân số vàng” còn kéo dài khoảng 15 năm nữa.
Để tận dụng hiệu quả thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, chúng ta cần chú trọng: Nâng cao tỷ lệ những người trong “độ tuổi lao động” có khả năng làm việc; Nâng cao tỷ lệ người “có khả năng làm việc” có việc làm; Nâng cao tỷ lệ người “có việc làm” làm việc với năng suất cao.
Dân số Việt Nam đang già hoá nhanh
Pháp luật của nước ta quy định những người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi, đây là một bộ phận dân số ngày càng lớn, có nhiều đặc trưng chung của tổng thể dân số nhưng cũng mang nhiều nét đặc thù. Theo thống kê, năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hoá dân số và dự báo, năm 2038 sẽ trở thành nước có “dân số già”. Tức quá trình già hoá của nước ta diễn ra với nhịp độ nhanh và chỉ trong 27 năm, trong khi đó các nước khác quá trình này diễn ra từ 73 năm (Úc), Thuỵ Điển (85 năm) và Pháp phải mất tới 115 năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam là 74,5 tuổi.
Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sự tiến bộ xã hội, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2021 đã đạt 73,6 năm và cao hơn mức trung bình của Thế giới (71 năm). Sức khỏe NCT được cải thiện rõ rệt. Đi cùng với đó, theo dự báo đến năm 2060 cũng chỉ có 10 triệu người hưởng hưu, chiếm 31,8% người cao tuổi. Như vậy, an ninh thu nhập của người cao tuổi không chỉ là thách thức lớn hiện nay mà còn cả trong tương lai xa.
Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở nhóm trẻ tuổi và nhóm cao tuổi
Cơ cấu dân số theo giới tính của Việt Nam, tính trên tổng số dân thì khá cân bằng: Tương ứng với 100 nữ thì có 99,1 nam. Tuy nhiên, cơ cấu giới tính lại mất cân đối nghiêm trọng, theo hướng nam nhiều hơn nữ ở nhóm tuổi trẻ (0-14) tuổi: 100 nữ, tương ứng có 109 nam và nữ nhiều hơn nam ở nhóm cao tuổi: 100 nữ chỉ có 72 nam.
Đặc biệt, nhóm trẻ sơ sinh, tình trạng mất cân đối giới tính không giảm và vẫn ở mức nghiêm trọng.
Nguyên nhân của tình trạng này nằm trong văn hóa trọng nam hơn nữ, bất bình đẳng giới đã kết tinh hàng ngàn năm; trình độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao; lạm dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Vì vậy, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài để giải quyết tình trạng này.
Phân bố dân số không đều, di cư diễn ra mạnh mẽ
Năm 2022, mật độ dân số nước ta là 300 người/km2 nhưng chênh lệch lớn giữa các vùng. Theo các đơn vị hành chính, sự chênh lệch về mật độ dân số còn lớn hơn nhiều. Chẳng hạn, mật độ dân số Lai Châu là 53 người/km2, trong đó huyện Mường Nhé chỉ có 31 người/km2 nhưng Tp Hồ Chí Minh là 4.481 người/km2, trong đó, Quận 4 lên tới 42.216 người/km2; Quận 11: 40.987 người/km2.
Sự phân bố dân số rất không đồng đều tạo nên thách thức phát triển bền vững ở cả nơi đông đúc và nơi thưa thớt dân cư, thường là miền núi, biên giới, hải đảo nơi “phên dậu” của đất nước. Mặt khác, phân bố dân số không đều và vốn đầu tư có sự khác biệt lớn dẫn đến di cư mạnh, hơn một triệu người di cư mỗi năm.
Tỷ lệ dân đô thị thấp nhưng tăng nhanh trong Thế kỷ 21
Nếu năm 2000, cả nước có 650 đô thị, gồm 25 thành phố, 62 thị xã và 563 thị trấn, thì năm 2022, cả nước đã có 761 đô thị, gồm 87 thành phố, 50 thị xã và 624 thị trấn. Tỷ lệ dân đô thị của nước ta rất thấp và tăng chậm trong thế kỷ 20. Bước sang thế kỷ 21, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh hơn. Đô thị hóa góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, năm 2022, dân số đô thị của nước ta đạt 37,351 triệu người, chiếm 37,55% tổng dân số, thấp hơn nhiều so với thế giới. Mặt khác, tỷ lệ dân đô thị giữa các tỉnh còn chênh lệch nhiều.
Như vậy, bước sang thế kỷ 21, dân số Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng chưa từng có tác động mạnh mẽ theo cả hai hướng tích cực và như tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nước ta. Chính vì vậy, cần luật hóa việc tính toán đầy đủ những xu hướng nói trên vào chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Nói cách khác, cần luật hóa việc đánh giá tác động của dân số trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: https://baophapluat.vn/