Hội thảo quốc tế di cư và sức khỏe người di cư ASEAN

Ngày 26/6/2023 tại Hà Nội, hội thảo quốc tế di cư và sức khỏe người di cư ASEAN đã được tổ chức. Hội thảo do Việt Nam chủ trì phối hợp với các quốc gia thành viên ASEAN, Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO). Hội thảo có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, quản lý nhà nước, cán bộ, nghiên cứu và giảng dậy liên quan đến di cư, y tế, dân số. Các quốc gia thành viên ASEAN, đại sứ quán các nước thành viên ASEAN, đại sứ quán một số quốc gia tại Hà Nội, các cơ quan quốc tế, liên hợp quốc, các cơ quan báo chí và đông đảo các bên liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:  di cư là sự tất yếu và là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Di cư mang đến những lợi thế và cả những thách thức cho nơi đi và nơi đến. Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương. Sức khỏe người di cư là một trong những trọng tâm ưu tiên y tế của các quốc gia, vùng lãnh thổ.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Sức khỏe người di cư là một ưu tiên trong lĩnh vực Y tế của ASEAN và trong Chương trình nghị sự về Phát triển Y tế của ASEAN sau năm 2015. Năm 2022, ước tính số người di cư quốc tế là 281 triệu người. Các luồng di cư thế giới chủ yếu là từ Bắc xuống Nam, từ Nam đến Nam bán cầu và từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Số người di cư được sinh ra ở Châu Á chiếm khoảng 106 triệu người. Theo Liên hợp quốc, số người di cư quốc tế của ASEAN là 10,2 triệu người, trong đó nữ giới chiếm 45,8% với độ tuổi trung bình là 32,4 tuổi. Di cư mang lại những lợi ích tích cực như góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới, Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên ASEAN nằm trong top 20 quốc gia Châu Á nhận kiều hối quốc tế năm 2020. Tuy nhiên, di cư cũng mang đến những thách thức cho cả nơi đến và nơi đi như thiếu hụt lao động ở nơi đi, các dịch vụ xã hội, an ninh an toàn, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh…Người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương, gặp nhiều rào cản trong tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, việc làm, y tế, nhà ở, nước sạch và an ninh…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Bà Angela Pratt, Bà Pauline Tamesis, Bà Park Mihyung cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã cung cấp cho người theo dõi dõi bức tranh toàn cảnh về di cư và sức khỏe người di cư trên thế giới và trong khu vực ASEAN, về thực trạng, xu hướng và thách thức mà thế giới đang đối diện. Với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và trong khu vực, hội thảo đã được lắng nghe kinh nghiệm của các nước trong việc thúc đẩy sức khỏe của người di cư, đặc biệt là sự chia sẻ của các nước thành viên ASEAN về những việc đã làm được và còn phải giải quyết. Các chính sách, chương trình, kinh nghiệm tốt, mô hình và sáng kiến ASEAN đã được trình bày trong hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Vai trò của người di cư đã được khẳng định đối với phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa của nước đến. Vì vậy làm thế nào để các quốc gia thành viên ASEAN có thể hợp tác cùng nhau cũng như với các đối tác phát triển di cư trên thế giới nhằm đem đến cho người di cư quyền lợi và sức khỏe tốt nhất đã được đông đảo khách mời quan tâm, thảo luận. Hội thảo cũng đã giới thiệu Khung ASEAN về bao phủ y tế của người di cư hợp pháp bao gồm người lao động di cư và nhóm dân số đặc biệt để hướng dẫn các nước thành viên ASEAN trong phương pháp tiếp cận chính sách và quy định của các quốc gia trong việc theo đuổi hợp tác khu vực nhằm đảm bảo bảo hiểm y tế cho người di cư hợp pháp, bao gồm cả người lao động di cư và nhóm đặc biệt.

GIA HÂN

TIN KHÁC