Sàng lọc trước sinh - chìa khóa cho thai kỳ khỏe mạnh

Sức khỏe của thai nhi bắt đầu từ những tuần đầu tiên trong bụng mẹ. Trong hành trình làm mẹ, bên cạnh việc ăn uống đầy đủ, khám thai định kỳ thì sàng lọc trước sinh chính là một trong những bước quan trọng để đảm bảo một thai kỳ an toàn và em bé được sinh ra khỏe mạnh

1. Sàng lọc trước sinh là gì?

Sàng lọc trước sinh: Là tập hợp các xét nghiệm và kiểm tra được thực hiện trong thai kỳ nhằm đánh giá nguy cơ em bé có thể mắc phải một số dị tật bẩm sinh hoặc tình trạng di truyền nhất định.Từ đó giúp can thiệp kịp thời hoặc chuẩn bị các phương án chăm sóc y tế phù hợp sau sinh.

Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng những biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền

2. Tại sao phải sàng lọc trước sinh?

Phát hiện sớm các nguy cơ: Sàng lọc trước sinh giúp các bác sĩ và cha mẹ phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe của thai nhi, chẳng hạn như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, xơ nang, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc các vấn đề về tim mạch…

Chuẩn bị tâm lý và kế hoạch chăm sóc: Nếu kết quả sàng lọc cho thấy nguy cơ cao, thai phụ có thể được tư vấn để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn. Việc xác định sớm tình trạng sức khỏe của bé cho phép cha mẹ có thời gian chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu thông tin về tình trạng bệnh, cùng với đội ngũ y tế lập kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho bé ngay từ khi chào đời. Điều này có thể bao gồm việc lựa chọn bệnh viện có chuyên khoa phù hợp, chuẩn bị các điều kiện y tế cần thiết...

Hạn chế các biến chứng thai kỳ: Bên cạnh việc phát hiện dị tật thai nhi, một số xét nghiệm sàng lọc còn giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe của mẹ có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ hoặc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, viêm gan B, HIV... Việc phát hiện sớm giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và bé.

Mang lại sự an tâm cho cha mẹ: Đối với đa số các trường hợp, kết quả sàng lọc sẽ cho thấy em bé có nguy cơ thấp mắc các tình trạng bất thường. Điều này mang lại sự an tâm rất lớn cho các bậc cha mẹ trong suốt quá trình mang thai, giúp họ tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc chờ đón con yêu.

Cơ hội can thiệp kịp thời: Trong một số ít trường hợp, việc phát hiện sớm dị tật hoặc bệnh lý có thể mở ra cơ hội can thiệp y tế ngay trong thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh, giúp cải thiện đáng kể tiên lượng sức khỏe cho bé.

Góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc gia đình.

3. Ai nên thực hiện sàng lọc trước sinh?

Hầu hết các thai phụ đều phải thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như kiểm tra lượng protein, glucose hoặc dấu hiệu nhiễm trùng nước tiểu. Ngoài ra, nhóm phụ nữ có nguy cơ cao sẽ được bác sĩ khuyến nghị thực hiện thêm các xét nghiệm:

Sinh con muộn, từ 35 tuổi trở lên cần sàng lọc để kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi,

Từng sinh non hoặc thai lưu,

Từng sinh con bị dị tật bẩm sinh (đặc biệt là các vấn đề về tim hoặc di truyền),

Đang mang thai nhiều hơn một em bé,

Có tiền sử bị cao huyết áp, tiểu đường, lupus, bệnh tim, các vấn đề về thận, ung thư, hen suyễn hoặc rối loạn co giật,

Trong gia đình có người thân mắc chứng rối loạn di truyền.

4. Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh phổ biến

Sàng lọc trước sinh bao gồm nhiều loại xét nghiệm được thực hiện ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ, chẳng hạn như:

Trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ: Phụ nữ mang thai nên đi khám sàng lọc khi tuổi thai nằm trong khoảng 11 đến 14 tuần, lý tưởng nhất là từ 12 đến 13 tuần. Quá trình sàng lọc trong giai đoạn này bao gồm siêu âm kiểm tra hình thái của thai nhi và đo độ mờ da gáy vào thời điểm thai nhi từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Ngoài ra, các xét nghiệm cần thiết sẽ được thực hiện để xác định nguy cơ thai nhi có thể mắc hội chứng Down và các bệnh lý khác.

Trong ba tháng giữa thai kỳ: Vào thời điểm từ 14 đến 21 tuần, người mẹ sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc khi đến khám. Từ tuần 20 đến tuần 24, siêu âm sẽ giúp kiểm tra hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi để phát hiện các dị tật bao gồm các vấn đề về hệ thần kinh, tim mạch, lồng ngực, hệ tiêu hóa, sinh dục - tiết niệu, cũng như các bất thường ở xương.

Ba tháng cuối thai kỳ: Thông thường, không có chỉ định cho các xét nghiệm hay chẩn đoán trước sinh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai cần chủ động siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai nhi và dự đoán tình trạng khi sinh.

Sàng lọc không làm tăng rủi ro - Ngược lại là sự chuẩn bị an toàn cho tương lai

Nhiều mẹ bầu lo lắng sàng lọc có thể gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên hầu hết các phương pháp sàng lọc hiện nay đều an toàn, không xâm lấn đễ thực hiện và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé,

Điều quan trọng là thai phụ cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để hiểu rõ về từng loại xét nghiệm, lợi ích, hạn chế và những rủi ro có thể có (đối với xét nghiệm chẩn đoán xâm lấn), từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với tình hình sức khỏe và mong muốn của mình,

Sàng lọc trước sinh không chỉ là một quy trình y tế mà còn là điều cha mẹ nên làm cho con cái ngay từ trong bụng mẹ. Trước khi làm cha mẹ, hãy chủ động tìm hiểu và thực hiện sàng lọc trước sinh để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, mở ra một tương lai tốt đẹp nhất cho em bé.

Ngoài ra việc sàng lọc trước sinh còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và giảm thiểu gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đừng chờ đợi khi có dấu hiệu bất thường mới đi khám. Hãy chủ động thực hiện các xét nghiệm sàng lọc đúng thời điểm để đảm bảo thai kỳ an toàn và em bé được chào đời khỏe mạnh.      

ÂN

 

TIN KHÁC