Thách thức trong nâng cao chất lượng dân số

[VOV2] - Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới. Đây là một lợi thế để phát triển KT-XH. Tuy nhiên, một trong những thách thức đặt ra đối với nước ta đó là tình trạng già hóa dân số và vấn đề nâng cao chất lượng dân số.

Có thể nói khi dân số vượt mốc 100 triệu dân là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể nâng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là không ít thách thức khi mà chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lại được xem là “chưa vàng”.

"Nhóm dân số ở độ tuổi lao động mặc dù đông những chất lượng và năng suất lao động chưa cao rồi là có sự chênh lệch giữa các vùng, các địa phương về lực lượng lao động. Quy mô dân số lớn cũng là thách thức cho vấn đề an ninh lương thực rồi là các vấn đề về tài nguyên bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, sức khỏe và những bất cập khác trong an sinh xã hội"- ông Mai Trung Sơn, Quyền trưởng phòng Truyền thông-Giáo dục, Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết.

Khi thời kỳ dân số vàng kết thúc, nước ta sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già vào năm 2038. Nếu không phát huy tối đa lợi thế dân số vàng thì người Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già", nhất là khi nước ta được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, già hóa dân số cũng là một cơ hội để phát triển các dịch vụ bổ trợ người cao tuổi.

Già hóa dân số nếu biết tận dụng cũng là cơ hội để phát triển kinh tế- xã hội

Với quy mô dân số đạt 100 triệu dân – Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng trưởng về mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi dân số có sự phát triển thiếu đồng đều giữa các vùng, miền. Thế nên, điều quan trọng phải kể đến đó là nâng cao chất lượng dân số. Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chăm lo cho chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực chính là chiến lược dài hơi trong công tác dân số hiện nay.

"Bây giờ vận động các bà mẹ mang thai phải tầm soát trước sinh và ngay sau khi sinh con ra phải tầm soát sơ sinh, để phát hiện sớm bệnh tật bởi vì tỷ lệ bệnh tật mà cao thì làm sao đến tuổi lao động anh có thể trở thành một lao động có chất lượng cao được nếu anh có bệnh bẩm sinh. Ngay từ lúc tư vấn trước hôn nhân đã phải chú trọng khám sức khỏe trước hôn nhân. Chúng ta phải lo từ rất sớm, từ rất xa như vậy. Đến tuổi đi học các cháu được giáo dục tốt, được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực tốt. Đến tuổi lao động được rèn luyện nâng cao chuyên môn kỹ thuật"- GS.TS Nguyễn Đình Cử chia sẻ.

Để làm được điều này, đội ngũ những người làm công tác dân số cần được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, việc nâng cao chất lượng cán bộ dân số vẫn còn khá nhiều thách thức như chia sẻ của BS Nguyễn Thị Thu Hiền- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHH GĐ tỉnh Hòa Bình.

"Hiện nay, mô hình tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số và phát triển ở các địa phương không thống nhất. Có tỉnh không còn Chi cục Dân số, nhiều huyện không có đơn vị quản lý Dân số thuộc Trung tâm Y tế, nếu có nhân sự đã giảm bớt nhiều và thường được điều động đi làm nhiệm vụ y tế. Trong khi các chỉ tiêu hoạt động công tác dân số phát triển gồm nhiều nội dung, cần có sự phối hợp thực hiện của các ban ngành đoàn thể địa phương và toàn ngành y tế, trong khi ngân sách có hạn, giảm nhiều so với trước đây. Mặt khác công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, thu hút cán bộ chưa thực sự được quan tâm, các chế độ chính sách ưu đãi nếu có thường tập trung ưu tiên cho hệ thống thực hiện công tác phòng chống dịch hay khám chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh, chưa có phụ cấp đặc thù nghề tương xứng"- bà Thu Hiền cho hay.

Chính vì thế, các giải pháp cần thiết để nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân số cần được quan tâm và triển khai kịp thời, đặc biệt chú trọng tới các khu vực đặc thù như vùng sâu, vùng xa, hay các vùng có sự chênh lệch về mức sinh đáng báo động. Cùng với đó, BS Nguyễn Thị Thu Hiền cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng dân số sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển nhanh, bền vững của mỗi quốc gia, mỗi đất nước. Và đây cũng là mục tiêu quan trọng để những người làm công tác dân số tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Phương Trang

Nguồn: https://vov2.vov.vn/

TIN KHÁC